bao quát

1. Khi bạn cố kiểm soát cuộc sống theo ý muốn chủ quan, mọi thứ bị tắc nghẽn và đông chặt cứng bên trong bạn. Khi quay vào bên trong, không còn sự kiểm soát lên bất cứ điều gì. Tất cả cứ thế vỡ ra (broken). Như cái cách một quả trứng bị vỡ ra và một sinh mạng-sự sống mới bắt đầu. Sự tỉnh thức là thế. Nó là một khối tổn thương vỡ ra và chảy ra bên trong bạn. Dòng chảy sự sống luôn chảy, luôn vận động liên tục. Điều bạn cần là ý thức bao quát mọi vận động đó, đừng đồng hóa vào tiến trình vận động. Sự bình an có nghĩa là thái độ khách quan đó. Hãy để cho mọi tổn thương bên trong được vỡ-bung ra. Đừng kìm hãm tiến trình khách quan của vạn vật.

2. Vì rõ đó là một cuộc khám phá đầy khó khăn, và thế, tôi thường ngắm nhìn bầu trời để cảm nhận sự vô hạn, hai chân chạm đất để cảm nhận sự vững chãi, đôi tai nghe âm vang đất trời để cảm nhận được sự sống sống động đầy uyển chuyển. Tôi không bỏ sót bất cứ điều gì đang diễn ra, vì tôi đang cảm nhận tất cả. Tôi không màng đó là buồn hay vui, tốt hay xấu, phúc hay họa... Tôi thấy mình như một kẻ ngốc "vô học" lần đầu thấy tất cả, và lúc nào cũng là thế. Và trong chốc lát, tôi rõ như thế nào là ngu si hưởng thái bình.

3. Tự nhốt mình vào một không gian khép kín, cô lập, không tương tác với vạn vật thì không thể nào nhìn rõ chính mình. Mọi thứ đều có sự liên kết mật thiết với nhau từ nền tảng chung. Và thế, sự va chạm với đất trời, với con người với mọi giống loài, mới kích hoạt nhận biết tổng quát về nguồn gốc duy nhất của tất cả.

4. Sự quay vào bên trong, thực sự rất sống động. Chính ý thức tĩnh tại luôn luôn sống động, vì nó bao trùm lấy toàn bộ sự sống. Nó khác với sự chìm đắm trong định, hay trụ định, vì nó làm đánh mất đi sự quan sát toàn thể. Như việc, một vị rơi vào trạng thái định ngất ngây ngàn năm, nhưng chẳng qua là một giấc ngủ quá lâu và thật là lãng phí việc cảm nhận sự sống căng tràn. Tất cả mọi biểu hiện, thực sự đánh thức cái nhìn. Một cái nhìn thực sự trong trẻo. Như một cơn đau bụng khiến cái thân thể này quằn quại trên chiếc giường nhưng cái nhìn đó cứ thế "bất nhân", và thế toàn khắp. Như cái cách mà Lão Tử đã từng nói, trời đất bất nhân, xem vạn vật là loài chó rơm. Không gian ý thức tĩnh lặng, cái ta gọi là đạo, vốn khách quan. Mọi thứ cứ thế diễn ra theo quy luật tự nhiên, từ cái nền tảng vô hình tướng với trí tuệ miễn bàn. Nếu con người ta không cúi mình kính sợ tự nhiên-quay về tự nhiên, họ sẽ tự chuốc lấy rắc rối và đau khổ cho chính mình.



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.