thấu hiểu và đam mê
1. Để thấu hiểu được bạn, ta phải đã từng kinh nghiệm và hiểu được những cảm giác-cảm xúc mà bạn đang phải trải qua. Để không kết án và phán xét bạn, ta phải thấy được những gì bên trong bạn là một phần bên trong ta, có điều ta đã không chọn để trải nghiệm chúng nữa, ta đã vượt lên được chúng rồi, nhưng ta biết rằng bạn đang chọn lựa chúng. Ta hiểu, thương, và chúc lành cho bạn.
Những lo toan, sợ hãi, phiền não, ham muốn, dục vọng, oán hận, ghen ghét, tị nạnh, sung sướng, thoải mái, buồn bã, hạnh phúc, bồn chồn, hào hứng... Tất cả những ngóc ngách trong tâm khảm ấy, ta đã để mình thấy chúng và xuyên qua chúng. Khi xuyên qua được chúng thì ta đã vượt lên được chúng rồi, và thấy được nhờ có chúng mà bản chất thực của ta tự biểu lộ và tự được kinh nghiệm. Nhưng không có nghĩa là ta cứ ca thán chúng, nếu ta ca thán chúng thì mọi người cũng ca thán chúng, và thế chúng ta đang ca thán những thứ không phải là mình và sự quên mất chính mình càng thêm mạnh mẽ. Ta hiểu được chân tướng của chúng, cũng chỉ là ta, vì thế ta tự ca tụng ta nhưng lại không phải là một sự kiêu ngạo với ai về ta. Vì chỉ có ta.
2. Ngay khi chúng ta sống trọn vẹn trong một thực tại sống động bên trong mình, thì ta không bao giờ thực sự bỏ lỡ điều gì. Mọi thứ đã toàn thiện, tất cả đã thực sự hoàn thành trong ý thức tĩnh lặng ấy.
3. Những người đam mê điều họ làm, thấy được ý nghĩa tuyệt vời trong đó, họ cứ nhất quyết làm vậy. Họ "thách đố" ông trời không cho họ như thế. Bạn sẽ chẳng bao giờ biết được niềm đam mê sẽ dẫn bạn đi đến đâu, vì nếu không có đam mê, bạn chẳng có sự sống gì cả. Ngay cả sự khám phá và thấu biết chính mình, nếu bạn đủ đam mê, bạn cứ nhất quyết là như thế, chẳng điều gì có thể chống lại được đam mê của bạn, thậm chí bạn thu hút mọi hỗ trợ để hiện thực hóa điều đó.
4. Khi ta không còn vướng bận thế gian thì ta không vướng bận chuyện phải làm cái gì, cái gì sẽ là mục tiêu tiếp theo. Nhưng ta có đam mê và ước mơ. Là tất cả mọi thứ biểu lộ từ thân tâm trí này phải phục vụ cho việc hiện thực hóa chính bản chất con người ta. Đó là lý do vì sao, suy nghĩ lời nói lẫn hành động, cùng lúc phải nhất quán và từ đó hợp nhất là ta. Nếu suy nghĩ không nhất quán với lời nói và hành động, nó là tạo ra sự mâu thuẫn, không rõ ràng trong nhận thức. Và đôi khi, chúng ta phải ý thức tạo ra hành động mới, tốt đẹp, nhằm xóa bỏ khuôn mẫu tư duy cũ.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.