chúng ta cần thử thách
1. Chúng ta đón nhận và vượt qua được một thử thách lớn là bởi trước đó chúng ta mỉm cười được với những bất như ý nhỏ hơn. Để leo một ngọn núi cao trắc trở, chúng ta nhìn ra được tầm quan trọng của một bước chân nhỏ bé. Sự thực hành tĩnh lặng cũng tương tự như vậy, chúng ta không cần quá lo lắng đến việc một lúc nào đó rủi ro kinh khủng xảy đến, mình sẽ như thế nào. Mà hãy lắng tâm mình vào trong, lắng nghe, đón nhận trọn vẹn giây phút hiện tại; và yêu thương được những khó chịu, những bất trắc dù chỉ là rất nhỏ. Cứ như vậy, khi sự cố lớn hơn một chút, nhiều chút, thì thái độ chúng ta đã được trui rèn để có sự thoải mái chấp nhận và bao dung được. Chỉ khi bao dung, thì tâm trí mới có thể tĩnh lặng. Như vậy, nguyên lý luôn là: trước tiên đón nhận được hết thảy, và ý thức bao dung không lay động chính là tĩnh lặng.
2. Nếu trung thực, bạn sẽ thấy bên trong mỗi chúng ta thường đòi hỏi một số thử thách hay thay đổi nằm ngoài vùng an toàn nhằm kích hoạt sự bứt phá về mặt nhận thức. Như cơ thể này, nếu nó lười vận động, biếng nhác lao động thân thể, nó sẽ tạo ra sự ủ rũ, bệnh tật và yếu đuối cho chính nó, và từ đó khiến ý thức cũng trở nên rất trì trệ, tức phần nhận biết sẽ bị chìm xuống dưới và phần tiềm thức (chủ yếu là ý nghĩ lan man tiêu cực) sẽ trồi lên rồi phang chúng ta đi. Nếu muốn cơ thể khỏe mạnh, bạn thường phải tạo ra sự "cực khổ" cho nó. Cũng như vậy, để kinh nghiệm không gian ý thức mạnh mẽ-can đảm, những thay đổi-bất trắc sẽ diễn ra, dù bạn không muốn, thì bằng cách nào đó, nó sẽ luôn dẫn tới nhằm phá vỡ nỗi sợ hãi.
Nếu trong một hoàn cảnh khổ ải, mà bên trong chúng ta kinh nghiệm được niềm vui sâu sắc, thì nó chính là một sự bứt phá nhận thức. Vì chúng ta nhìn ra chính mình hay cảm nghiệm sự giải phóng tốt nhất thông qua một ngoại cảnh mang một màu sắc nào đó mà đám đông thường nhìn nhận nó là xui xẻo hay điềm gở.
Cũng như vậy, ý thức này có cơ hội tốt nhất trong việc kinh nghiệm sự sảng khoái và nhẹ tênh mạnh mẽ nhất khi thân thể này đang leo một ngọn núi cao hiểm trở. Với những người dân vùng Himalaya mà người viết từng gặp, họ trải nghiệm một cơ thể dẻo dai-khỏe mạnh nhờ ăn thực phẩm hữu cơ cũng như hăng say lao động chân tay, tiếp xúc khí trời thanh trong, đi chân đất băng qua dải núi cheo leo này đến dải núi hoang vu khác.
Chúng ta, những người sống trong một xã hội công nghiệp, dường như đã bỏ bê cơ thể này, và lập trình nó trong một dạng ăn uống rất công nghiệp, cùng với sự vận động thiếu thuận tự nhiên. Nhưng để có thể đạt nhận thức đột phá, phần thân thể không thể bị bỏ lại đằng sau. Có nghĩa là chúng ta không thể cảm nghiệm một sự tự do, khi lấp liếm cái này để bỏ lên đó một cái khác. Nó là một sự nhìn nhận tổng quát, để mọi thứ được phép trần truồng như chúng là, và ta có thể thấy được mối tương giao giữa thân-tâm-trí, và từ đó, tạo ra những thay đổi có lợi cho sự thức tỉnh.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.