lắng nghe
Một buổi sáng dạo quanh vườn, khi mà rạng đông còn chưa bắt đầu và những lùm cây còn tắm mình bóng tối dần tan, sự lắng nghe đã luôn luôn sẵn sàng ở đó. Và âm vang hay nhịp điệu cuộc sống, nào là tiếng chim, tiếng gà gáy, tiếng chó, tiếng côn trùng... râm ran trong không gian lắng nghe im ắng. Bạn có bao giờ tự hỏi, làm sao để sống giữa đời sống có quá nhiều nhịp điệu, quá nhiều âm thanh, quá nhiều ồn ã này mà không đánh mất chính mình? Đó là hãy trở về không gian lắng nghe - bản chất của bạn - còn những thứ được nghe (âm vang đời sống) chỉ là những biến hóa mà ta gọi là vô thường trong không gian lắng nghe. Bạn sẽ thấy khi âm vang biến mất, nhưng sự lắng nghe thì vẫn ở đó. Một cách tận tụy, khiêm nhường, thấu suốt.
Cơ mà, âm vang đời sống có mặt để ta có cảm nhận rõ hơn về sự lắng nghe - vốn là bản chất của ta. Bạn có thấy, khi ta thiếu ý thức - thiếu tỉnh giác, thì một tiếng chuông, hay một tiếng động nào đó đủ lớn và đủ đột ngột có thể kích hoạt sự thức tỉnh? Âm thanh là yếu tố kích hoạt ý thức có thể nói là mạnh nhất. Bạn tự hỏi giữa quá nhiều những thuyết giảng triền miên, quá nhiều những thông tin về tỉnh thức, ta chọn điều gì để nghe? Nhưng với kinh nghiệm người viết, ta luôn chọn lắng nghe, một sự lắng nghe thấu đáo, phát xuất từ trái tim, từ bên trong tâm hồn mình, và do đó ta không còn mâu thuẫn, mơ hồ, tìm kiếm quẩn quanh, khó chịu về mặt tâm lý, phản ứng phản bác... với những thứ được nghe. Có nghĩa, không gian lắng nghe là chúng ta (chủ thể) và thứ được nghe (âm vang đời sống) là vật thể. Nhưng chúng ta thường bị lạc vào vật thể, hơn là quay trở về chủ thể, sự lắng nghe toàn phần đó. Hãy lắng nghe một cách thực sự, dù vật thể (những thứ được nghe) có là gì đi nữa. Rồi chúng ta sẽ cảm nghiệm một sự nhẹ nhõm và giải phóng từ bên trong mình.
Có nghĩa là, chúng ta phát hiện chúng ta có khả năng dung chứa bất cứ điều gì, bất cứ âm vang hay nhịp điệu nào của cuộc sống. Chúng ta không còn tìm kiếm sự thỏa mãn của một cái tôi về điều mà chúng ta muốn nghe (theo thói quen và quan niệm cũ mà bản ngã nắm giữ), thế nên cũng không còn khó chịu sân si với những âm vang không nằm trong thành kiến yêu-luyến ái của cái tôi.
Để bạn có thể cảm nghiệm hết thảy, thì bạn phải vứt bỏ được ký ức về mọi thứ, đặc biệt về việc bạn là một ai đó, có chỗ đứng nào đó. Bạn phải là "vô danh" để có thể lắng nghe được hoàn toàn. Có nghĩa, bạn là sự lắng nghe, là không gian dung chứa rỗng rang nên có thể lắng nghe được tất thảy, mà không phải là một "ai đó" với "tri thức nào đó" đang lắng nghe theo góc nhìn của vai diễn đó. Và sau tất cả, người viết học được ở cuộc sống này, chỉ một điều duy nhất thôi: lắng nghe. Dù sự lắng nghe đó, hãy còn khiêm tốn, khiêm tốn lắm.
Thử thách là một phần không thể thiếu của việc đánh thức không gian lắng nghe ấy. Bất trắc hay khó khăn xảy đến để sự kiêu ngạo và tự cao bên trong bạn được loại bỏ, và nếu may mắn, không gian ý thức đón nhận bên trong bạn được kích hoạt ở một mức độ phóng khoáng hơn. Nếu bạn lắng nghe ai đó nói một điều gì, mà bạn khó chịu, nghĩa là có sự tự cao và kiêu ngạo ở đó. Bạn tự huyễn về con người mình theo một quan niệm mà người đối diện đang nói khác đi về nó. Bạn đang ôm giữ những thành kiến không đồng điệu với những ý kiến mà người đối diện chia sẻ.
Khi không gian ý thức đón nhận được kích hoạt, sự dung chứa đó lớn hơn nên nó có thể lắng nghe và thấu hiểu tốt hơn. Làm sao một người có thể lắng nghe, và làm sao có thể thấu hiểu, nếu không gian ý thức đón nhận đó chưa được "dọn dẹp" ở một mức độ nhất định. Làm sao có thể nghe một tiếng chim hót, khi tâm trí vẫn còn trì trệ, phóng dật, ồn ào? Sự ồn ào tâm trí đó phải được loại bỏ đã. Cũng vậy, chúng ta nói rất nhiều về sự lắng nghe, về sự thấu hiểu, về sự bao dung; nhưng các cặn bã, những ô nhiễm, những bừa bộn tâm thức cần phải được thanh lọc ở một mức độ nhất định thì mới có đủ không gian mà dung chứa.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.