quăng mình vào đời sống

Cuộc sống có nhiều ngóc ngách, ngã rẽ, lòng người - như chúng ta vẫn thường cảm thán - thật lắm đa đoan. Nhưng phần hình tướng của chúng ta va chạm và trải nghiệm đời sống này, để chúng ta kinh nghiệm sâu sắc bản chất ý thức của chúng ta có thể đón nhận được tất cả, luôn tin tưởng và chọn lựa tĩnh lặng và yêu thương bên trong mình để biểu lộ, dù đối mặt với điều mà người đời cho là gàn dở hay bệnh hoạn nhất. 

Có một vị thương nhân sau khi vấp váp nhiều trái đắng trong cuộc đời, khi nghe những điều tốt đẹp, ông ta cảm thấy rất chói tai và muốn "đạp đổ" tất cả, rằng "đó là do mày chưa trải sự đời"! Như khi người ta đã quen nhìn nhận đời sống là quá nhiều cạm bẫy, lòng người là quá nhiều góc tối, họ cảm thấy ánh sáng thật xa lạ, mộng tưởng, truyền thuyết; như lời một người bạn xưa của người viết đã thốt ra, vì họ vẫn luôn tự làm khổ chính mình bằng những ý nghĩ tiêu cực. 

Cuộc đời càng phức tạp bao nhiêu, mình càng cần tự lắng vào tâm can mà hồn nhiên, giản đơn và vui vẻ bỏ qua được bấy nhiêu. Nói tất nhiên dễ, nhưng hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân. Trong một chuyện bất như ý nhỏ, ta mỉm cười vui vẻ được, thì khi chuyện lớn hơn gấp đôi, ta cũng dễ dàng đón nhận hơn. Và cứ thế, thử thách sẽ lớn hơn, lớn hơn nhiều phần, nhưng bên trong chúng ta đã được thực tập một khả năng đón nhận một cách kiên trì, ổn định. Khả năng đón nhận đồng nghĩa với khả năng ý thức cố định, dù phần hình tướng có thể rất động, tạo nên một cảm giác rất đau đớn, khó chịu; nhưng hãy xem, không gian ý thức đã có một khả năng bao dung một cách rất tốt. 

Nhưng thật đúng khi nói rằng nếu không nếm đủ vị đời, chúng ta sẽ không thể đủ sâu lắng và thấu hiểu. Sự hồn nhiên mà ta nói, ám chỉ về một khả năng ý thức bao dung-rộng mở-mạnh mẽ, nên không còn để bụng hay tự làm khổ mình bằng những ý nghĩ đổ lỗi, phán xét. Nhưng trong cộng đồng tỉnh thức, chúng ta thiếu đi những con người can đảm và chịu hành động để có thể tự nhận thức nghiêm túc. Chúng ta thường là những người "sợ việc", vì thế, chúng ta thích hưởng thụ, thích ngồi một chỗ để đọc, để suy nghĩ nhiều hơn là va vào cuộc đời, va vào thiên nhiên mà tự thức tỉnh chính mình thông qua các mối quan hệ. Vì sự thức tỉnh chỉ có thể diễn ra thông qua các mối quan hệ-sự tương tác với tự nhiên. 

Chúng ta nhốt mình trong những tòa nhà, lập trình mình trong những suy nghĩ, việc làm vô hồn; và đến một ngày thức dậy, chúng ta cảm thấy mình không hề thực sự sống. Chúng ta rời khỏi chiếc giường một cách uể oải hay bắt đầu một ngày bằng cách lướt nhiều tin vô bổ trên mạng xã hội, để giết chết thứ gọi là thời gian. Chúng ta không thích nghe những lời nói thẳng thắn, phản biện; mà thích chọn những lời nói mang tính ve vuốt và chiều chuộng mình. Cứ thế, tâm hồn chúng ta trở nên vô cùng yếu đuối, và dễ cáu bẳn với những thứ không nằm trong cái muốn cá nhân. Chúng ta thường chống lại sự thay đổi. Nhưng sự thức tỉnh bao giờ cũng kéo theo những thay đổi tương ứng. Nó không phải là đôi khi; mà là luôn luôn. 

Sự tỉnh giác luôn đòi hỏi sự va chạm và thử thách để làm bung vỡ bản ngã; nó là điều cần thiết; còn không, tâm trí sẽ cứ tiếp tục ảo tưởng (đầy kiêu ngạo). Suy tư cần được chứng thực bởi hành động, và sự ý thức tuôn chảy toàn phần thông qua đó. Ví dụ, bạn nghĩ bạn yêu thương người này; nhưng nó vẫn chỉ là một ý niệm cho đến khi nó được chứng thực thông qua lời nói-hành vi trong một không gian ý thức tràn đầy tình yêu. Nhưng, bạn thấy xem, ngày nay, đúng vậy, thường là nhiều người có (giữ) ý niệm và lời nói về tỉnh thức; hơn là những người trải nghiệm sự sống thống nhất về cả suy nghĩ-lời nói-hành vi để lột tả bản chất thật sự của nó. 

Trong ý thức người viết, vẫn luôn có những thôi thúc của sự can đảm va vấp, vì để trải nghiệm cái gọi là bứt phá nhận biết, và sự tự do tinh thần, nó đòi hỏi sự cúi mình chân thành mà học hỏi. Nó cần sự trung thực với chính mình để không kiêu ngạo và ảo tưởng về "ta"; và từ đó, biết lắng nghe-nhẫn nại dù hoàn cảnh đưa thân xác này trôi dạt về bất cứ nơi đâu. 

Trong nhân gian, những người liều lĩnh hướng ra thì nhiều; mà thực sự can đảm hướng vào mà kinh nghiệm sự đột phá nhận thức, lại không nhiều.



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.