hoàn thành bằng lòng trắc ẩn
Người bà trong gia đình người viết đại thọ 104, bà vừa qua đời thật thanh thản. Trong những năm tháng cuối đời, bà không cần đến bệnh viện, không thuốc thang chữa trị, đến ngày cuối cùng, bà vẫn gọi tên cha mẹ - người chăm sóc bà suốt thời gian dài vừa qua, một cách sáng suốt. Đầu óc bà minh mẫn. Và đến tang lễ, không con cháu nào trong gia đình có nỗi sợ cái gọi là âm khí. Cha bảo: "Cứ như thể bà vẫn ở đây." Thật vậy, khi về lễ bà, người viết có một cảm nhận về sự siêu thoát ở bà. Ai ai cũng mãn nguyện và mừng cho bà. Tang lễ lại trở thành một sự chúc lành. Không ai hối tiếc, không ai buồn lòng. Bà được giải thoát khỏi thân xác đau yếu của tuổi già, đặc biệt trong suốt gần 3,4 năm nằm trên giường và gần như không rời khỏi giường.
Việc chăm sóc một ai đó tận tụy sẽ là một thực hành tâm linh giúp nới rộng tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Chúng ta thường nghĩ, quay vào bên trong là cứ ngồi thiền, nhưng nó có thể trở thành một sự "độc đoán", khi mà bỗng chốc, ta bỏ bê mọi thứ, và từ đó tình yêu thương, sự thấu hiểu và lòng trắc ẩn không thể biểu lộ. Bởi sự tiến bộ tâm linh thể hiện rõ thông qua cách ta yêu một người, bỗng nhiên khiến ta yêu được mọi điều khác cũng không kém cạnh.
Bà là mẹ nuôi của cha mẹ người viết. Chúng tôi về sống với bà khoảng hơn 32 năm nay. Những năm tháng cuối đời, mỗi người con trong gia đình lo liệu cho việc sinh hoạt của bà chu đáo, không oán thán. Điều tuyệt vời là, bà ra đi bởi sự già yếu chứ không phải bệnh tật hiểm nghèo. Và bà có một trí óc đủ minh mẫn. Điều đó giúp ích cho sự siêu thoát. Con người ta không thể giải thoát, khi não bộ có vấn đề, và do đó, trong suốt thời gian sống, hãy biết tự thương mình để phần não bộ đủ dung thông.
Khi còn khỏe, bà là một người vô cùng siêng năng. Lúc nào bà cũng ở ngoài vườn, cuốc đất, trồng cây, và hòa đồng với hàng xóm. Bà luôn lau dọn phòng của mình cho sạch sẽ, và luôn bảo con cháu phải biết dọn dẹp chén bát sau khi ăn uống chứ đừng trì hoãn. Cả gia đình chúng tôi học được nếp sống gọn gàng và sạch sẽ từ bà. Và cũng nhờ sự tin tưởng của bà, gia đình chúng tôi có một nơi để sống, để về, để bớt lo toan cho một đời sống thuộc về sinh tồn.
Cha mẹ chúng tôi xem bà có lẽ còn hơn mẹ đẻ. Bởi khi người ta biết ơn, người ta sẽ không than trách và trốn tránh trách nhiệm. Việc chăm lo cho một người già không thể tự sinh hoạt cơ bản là một công việc không khó nhọc về mặt thân thể nhưng nhiều người dè chừng và trốn tránh vì sợ bẩn, sợ tiếp xúc với những thứ mà họ cho là không sạch sẽ. Nhưng ai ai cũng đến tuổi già, ai ai cũng sẽ bệnh tật. Việc trong gia đình chúng tôi có một người bà, trải qua những năm tháng lão-tử của bà, nên rõ và thấu hiểu hơn hết cho cảnh mỗi người trước sau đều như vậy.
Người viết thấy ra được rằng, rất nhiều người trong chúng ta rất sợ trách nhiệm. Chúng ta thường muốn đời sống của mình là những đợt sóng bằng phẳng, nhẹ nhàng, và thường thì chúng ta sẽ hài lòng với điều đó và tìm kiếm điều đó xuyên suốt vô số kiếp sống. Chúng ta muốn những dữ dội qua cho thật nhanh, và bằng cách đó, chúng ta thường sinh tồn về khía cạnh nông cạn nhất của đời sống.
Khi sinh ra là kiếp người, chúng ta biết mình cần xuyên qua cho thật trọn vẹn một đời sống hình tướng, và khi đó, tâm trí mới có thể nguôi ngoai mà hòa nhập hoàn toàn với vô hình tướng. Tức rằng, bạn có thấy, khi quay vào bên trong, tâm trí chúng ta vẫn lấp lửng lắm. Nó vẫn nghĩ về cái gì đó thuộc về đời sống thế gian, vì nó chưa xuyên qua tận cùng được, nó chưa nguôi ngoai, nó chưa "hoàn thành xong". Vậy thì hãy đi hoàn thành đi, hãy hoàn thành mọi sự trong tình yêu, và khi đó, tâm trí mới có thể sẵn sàng hòa nhập nguồn.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.