lời nói
Chúng ta không những gặp rắc rối với suy nghĩ, mà còn là lời nói. Vô vàn ký ức về những điều từng nói đã khiến chúng ta trở nên bối rối, cảm thấy hối hận, tội lỗi, oán thán hay tự trách móc chính mình... Ý nghĩ là những lời chưa phát ra thành tiếng trong thế giới vật lý; nhưng chúng lại là những điều muốn được biểu hiện ra bên ngoài và luôn thôi thúc bạn phải đi theo ham muốn, thúc giục của chúng. Nếu có thứ gì khiến cho tâm trí dễ mắc kẹt nhất, thì đó chính là âm thanh hay ngôn ngữ. Và lời nói cũng chính là ngôn ngữ, là âm thanh.
Lời nói là một cách để "hiện thực hóa" bản ngã, vì mỗi lần nói ra, là bản ngã có một ấn tượng rất mạnh mẽ rằng "tôi đang thể hiện chính mình đấy", "tôi đang nói lên tiếng nói và vấn đề-thế giới riêng của tôi". Vì vậy, chúng ta cần ý thức một cách mạnh mẽ về những nội dung được nói ra phải tiến gần hơn về phía trái tim rộng lượng, về phía bản thể thiêng liêng, thay vì hướng về thế gian và than trách những vấn đề của nó với tầm nhìn nhỏ nhặt và phù phiếm của một cái tôi nhỏ bé.
Có nhiều thói quen nói chuyện đã in dấu ấn trong tiềm thức chúng ta. Nó định hình thành những khuôn mẫu rất chắc chắn; và nếu tâm trí không đủ tĩnh lặng và trong suốt, sẽ thật khó mà nhìn ra. Để phát hiện những mánh khóe tinh vi của lời nói; nó đòi hỏi chúng ta phải có đủ dũng cảm để đối diện được với những biểu hiện suy nghĩ cùng cảm xúc đi kèm trước đã. Có nghĩa rằng, khi suy nghĩ tràn ra, hãy có đủ sự tỉnh giác để bao quát, hãy quan sát mô-tip của nó cùng động cơ mà nó muốn biểu hiện. Khi đã rõ chân tướng của nó, bạn sẽ cảm nhận được trạng thái ý thức vô can, tức một sự nhìn ngắm mà trong đó thái độ khách quan và bao dung của nó đồng thời biểu hiện trạng thái tự tại chân thật.
Lúc này, sự cảm nhận sâu sắc trạng thái đó khiến cho mô-tip nghĩ suy này bị hạn chế đến cạn kiệt năng lượng. Khi các mô-tip nghĩ suy lì lợm dần hạn chế, bạn sẽ phát hiện lời nói phát ra thường mang sẵn trong đó sự điềm đạm, nhân từ, trung thực và giàu yêu thương. Vì lời nói tương đương với sự cảm nhận đi sâu bên trong bạn.
Khi tâm được quan sát ở một mức độ ổn định, sự tinh vi trong ý nghĩ lẫn lời nói sẽ khó nhận ra. Vì nhiều lời nói vẫn mang dấu ấn cái tôi cá nhân, nó nhấn mạnh về trung tâm "tôi là như thế hay không như thế" với ham muốn được hiểu từ bên ngoài. Nếu bất cứ lời nói nào gây nên dấu ấn đó, hãy thu hồi lại trong sự tỉnh giác, thay vì để cho nó biểu hiện ra ngoài. Lúc này, hãy cảm nhận sự an tĩnh tâm hồn, sự khiêm cung tự tại, khi một thói quen muốn biểu hiện cái tôi đã dần đánh mất đi sự phô trương của nó.
Người viết nhìn ra được tầm quan trọng của lòng trung thực với tâm trí và trái tim mình. Vì chỉ có bạn mới thấy được chính năng lực của bạn, và đừng lừa dối bản thân và thôi miên chính mình bằng những sự đánh giá quá cao một cách mỹ miều nhưng phù phiếm. Khi nhìn vào chính mình, bạn phải có đủ sự khiêm tốn. Lúc này, đừng so sánh bản thân với ai hết; cũng đừng lấy bất cứ một biểu tượng nào để làm thước đo. Khi bạn có thể nhìn chính mình một cách chân thực, trái tim sẽ mách bảo cho bạn cần làm gì, và thông thường, nó luôn muốn bạn đi từng bước chậm rãi và cơ bản nhất. Nó muốn bạn có thể cúi trí óc mình được, từ những điều thông thường đang diễn ra chung quanh cuộc sống của bạn.
Hãy nói những điều giàu lòng trắc ẩn với một người đau khổ, nói những lời động viên với một đứa trẻ đang thiếu thốn điều đó, nói dịu dàng và chu đáo với người vợ hay người chồng. Chính lời nói được ý thức sẽ đưa ý thức tự chính nó cảm nghiệm sự thống nhất trọn vẹn của nó từ vô hình tướng đến hình tướng.
Và đó là điều quan trọng, vì sự tỉnh thức nghĩa là trải nghiệm sự thống nhất của hình tướng với vô hình tướng. Nó là một, một thể thống nhất. Không có sự tách biệt. Đó là lý do vì sao người viết nhấn mạnh về việc hãy đi từng bước nhỏ, ổn định và kiên định, hãy để hình tướng (nói-nghĩ-hành vi) hòa nhập vào nguồn vô hình tướng. Khi mà nó là một thể thống nhất được trải nghiệm hoàn toàn, ta gọi đó là sự tỉnh thức thực sự.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.