tiếng nói của lương tâm

Cách đây vài năm, người viết có xem một bộ phim Samsara (2001), về một tu sĩ Phật giáo Tashi ngồi thiền định 3 năm 3 tháng 3 ngày trong một hang động, và mọi người coi đó là một thành tựu. Nhưng khi trở về đời sống thường nhật, cùng với sự tiếp xúc thế gian, Tashi không khỏi động tâm và trở nên mâu thuẫn, dằn vặt. Anh ta liên tưởng đến hình ảnh Đức Cồ Đàm trước khi ngài đạt giác ngộ, và rồi xem đó như một cái cớ của việc rời khỏi tu viện. 

Tashi kết hôn với người đàn bà mà anh ta say mê từ cái nhìn đầu tiên. Họ có với nhau một người con. Ban đầu đời sống yêu đương thật mật ngọt khiến anh ta đắm đuối mà quên đi những năm tháng được tắm mát bởi kinh Phật, bởi sự thanh cao-trí tuệ của những người thầy hay anh em mộ đạo. Nhưng sau vài năm trôi qua, đời sống thế gian quá nhiều trách nhiệm mỏi mệt, cùng với đó, những lúc chợt tỉnh, sự chìm đắm dục lạc trong thời gian qua khiến anh ta tự dằn vặt và cảm thấy tội lỗi.  

Như tái hiện lại cảnh Đức Phật, Tashi âm thầm rời vợ con trở về chốn tu năm xưa. Nhưng trực giác của người phụ nữ đã đoán trước được điều đó. Khi gần kề cánh cổng tu viện năm xưa - nơi anh đã rời đi, thì người vợ bỗng xuất hiện và chia sẻ với anh một vài điều: 

"...Làm sao một người mẹ có thể bỏ con mình giữa đêm trường được, chỉ có đàn ông mới có thể làm thế. Tashi, chỉ có đàn ông thôi! Yaśodharā không có lựa chọn...
Ôi, Tashi... Nếu tưởng niệm của anh về Đạo Pháp cũng mãnh liệt như tình yêu và đam mê anh đã dành cho em, thì có lẽ anh đã thành Phật ngay trong chính thân xác này... trong chính kiếp sống này."

Trái tim người đàn ông đó ngã khuỵu và bắt đầu lung lay. Cảm giác của sự tội lỗi, của sự hoang mang, của sự hèn nhát, của nỗi sợ hãi. Nó là tổng hợp của một khối cảm xúc gần như hỗn độn khiến anh ta không thể dứt khoát được, không thể can đảm chọn lấy cho mình một con đường, mà bị tắc giữa hướng đi bên này và bên kia. Người vợ không níu kéo, không nài xin anh ta trở về. Cô cất bước rời đi, ngập tràn lòng tự tôn, để lại sự đơn độc và yếu đuối của người đàn ông, nằm sóng xoài và khóc lóc giữa khoảng trời bất tận. Kết phim là cảnh chú chim bay lượn thong dong giữa không trung xa xăm. Nó là một kết mở, và liệu Tashi trở về nhà với vợ con hay vẫn mang sự xấu hổ lê lết tấm thân về tu viện, ta chẳng thể biết. Nhưng con người ta chỉ có thể chọn một, giữa hai, trong cùng một thời điểm. 

Và người viết sẽ bình luận gì ở đây. Đó là, chúng ta không thể bắt chước bất cứ hình mẫu của bất cứ ai, để đóng khuôn cho cuộc đời mình. Nó đôi khi mang đến cho bạn hương vị thành công hay nhẹ nhõm ở một giai đoạn nào đó, và thậm chí có thể kéo dài đấy, nhưng không bao giờ khiến bạn tự do, mạnh mẽ, và là chính mình, một sự khác biệt và đặc biệt. Chúng ta thường dựa dẫm vào một cái gì đó là kinh điển, là chân lý, là tượng đài, để noi theo, để biện hộ cho những chọn lựa, lắm lúc gây ra những tổn thương cho người khác, nhưng nó là một sự vị kỷ chất đầy nỗi sợ hãi. 

Đời sống thế gian vốn không thể tách rời vô ngã. Nó được thiết lập cho sự nhận ra toàn hoản đó. Bởi thế gian, nếu có thể tận dụng ý nghĩa của nó một cách thực tế, khiến cho con người ta giàu can đảm, cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ được cho những gánh nặng của những người ở lại và những người chung quanh. Từ đó, ta học cách san sẻ thay vì trốn tránh. Hình ảnh Tashi không thể so sánh với Đức Cồ Đàm năm xưa. Nó khác biệt ở hoàn cảnh, ở căn cơ, ở sự thôi thúc - một mong muốn đầy cấp thiết, sâu thẳm. Nó khác nhau, nó không thể nào bắt chước. 

Nếu anh đưa ra quyết định nào, anh phải bình tâm để thấy là vì anh thực sự muốn thế. Một mong muốn đầy quyết liệt, chứ không phải là vì một ai đó mà anh ngưỡng mộ cũng đã từng chọn như thế hay vì anh quá sợ hãi. Sự mâu thuẫn trong thực hành tĩnh lặng, đến từ việc người ta thiếu đi can đảm và sự lắng nghe thôi thúc thực sự, một thôi thúc trong sáng, nhiệt huyết và tràn đầy yêu thương phát ra từ bên trong con người mình. Nếu anh không thực sự tĩnh tâm mà lắng nghe, anh sẽ để những ham muốn điều khiển và sai khiến anh đi, đầy chìm đắm, bốc đồng và trẻ con. 

Điều mà Tashi thiếu, đó là tính tận hưởng mọi nhịp điệu của đời sống. Thứ mà anh ta tìm kiếm là một ham muốn phải được thỏa mãn, hay một mục đích cụ thể nào đó cho một lựa chọn. Và nó sẽ chỉ khiến con người ta mâu thuẫn. Bởi mục đích không hẳn lúc nào cũng đạt được, và khi không đạt được, thì anh sẽ phiền lòng. Và hơn cả, khi người ta mải tìm, người ta không còn có thể thấy và tận hưởng nữa. 

Anh ta say mê đời sống yêu đương thuở ban đầu, nhưng dần dà cảm thấy thật phiền hà, thật xấu hổ, thật tội lỗi, thật mỏi mệt. Chuyện cơm áo gạo tiền khiến anh ta phải lo nghĩ nhiều quá, phải bận lòng nhiều quá, toan tính nhiều quá. Và khi phiền lòng, thì người ta sẽ mải suy tư, sẽ để nỗi sợ dẫn mình đi. Lòng can đảm tự dưng bị che lấp bởi sự yếu lòng của những nghĩ ngợi vị kỷ. Và lúc đó, họ bắt đầu trốn tránh trách nhiệm. 

Nhưng, sự quay vào bên trong khiến người viết nhìn ra được, con người ta phải sẵn sàng chịu trách nhiệm cho những chọn lựa của mình. Tâm trí sẽ chẳng thể nguôi ngoai cho những gì còn dang dở, cho những thứ mà nó bất đắc dĩ phải kết thúc. Nhưng ẩn ức vẫn cứ ở đó, hoài niệm, dĩ vãng đó vẫn cứ đeo bám, hay chỉ đơn giản là bị giấu đi khi đời sống mới có vẻ dễ dàng, thăng hoa hay nhiều thứ phải cuốn vào. Nhưng bất cứ điều gì được kết thúc nhưng không đầy quyết tâm, không tràn đầy sự trưởng thành, không tràn đầy tính can đảm, thì con đường mới phía trước thường chông gai hơn, hoặc chúng ta thường trở nên dằn vặt và khó định tâm hơn.

Không chọn lựa nào là sai, kể cả việc Tashi rời gia đình hay quay về tu viện. Nhưng lựa chọn nào khiến anh trở nên trưởng thành hơn, không trái với lương tâm hơn, và khởi nguồn từ yêu thương? Thì chỉ có thôi thúc ở chính con người đó mới là câu trả lời, chứ người ngoài không thể nào luận bàn nổi. Như cái cây này, bông nó màu vàng, chứ chẳng phải trắng. Đó chính là sự bí ẩn của cuộc sống. 



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.