tĩnh lắng tâm trí
Thế giới như tấm gương phản chiếu của tâm trí; và khi mà người ta mải nhìn vào gương, thì người ta quên mất nhìn tâm trí mình. Và khi nhìn tâm trí mình một cách sáng suốt, người ta mới bắt đầu nhận ra vấn đề không đến từ gương, mà đến từ hằng ha sa số ý nghĩ-ảo tượng đang cố xoay chuyển mình bám vào hình ảnh trong gương và đổ mọi trách nhiệm cho thứ vốn không thực có đó.
Khi dành đủ thì giờ chất lượng cho sự quan sát tâm trí, chúng ta bỗng nhận ra không có điều gì là thực tốt hay xấu, chỉ là ý nghĩ cho là như thế. Điều đó rất khó chấp nhận, vì thói quen mạnh nhất của tâm trí chính là sự phán xét theo tính nhị nguyên: đúng-sai, tốt-xấu, phải-trái, có đạo đức-vô đạo đức, may mắn-xui rủi... Người viết nhìn ra được, sự thực hành tĩnh lặng ban đầu thật thiết yếu ở chỗ, bạn phải có khả năng làm tĩnh lắng tâm trí, và nhiều nhất có thể.
Chúng ta đã quá quen phải nghĩ điều gì đó, và tự huyễn rằng nó rất logic và rất thuyết phục. Nhưng thật quan trọng để tâm trí thường xuyên rơi vào trạng thái không nghĩ suy một cách ý thức sáng rõ. Tức là sự nghỉ ngơi của tâm trí, sự không vận động của các ý nghĩ ngay cả khi thân thể vẫn đang hòa nhập vào những nhiệm vụ thế gian. Điều đó dần dần giúp tâm trí được thanh lọc khỏi những thói quen phán xét cố hữu. Khi các ô nhiễm này được thanh lọc ở một mức độ nhất định, người ta nhìn ra được sự vui-buồn bên trong mình, sự phiền não hay hạnh phúc, sự phúc lành hay tội lỗi... là sản phẩm của tâm trí. Tức họ nhìn ra được, mọi cung bậc trạng thái diễn ra trong chính họ thì tâm trí họ hoàn toàn phải chịu trách nhiệm cho điều đó. Từ đây, việc hướng tâm ra ngoài nhằm định kiến thế gian sẽ dần hạn chế, cho đến khi mà bạn không còn lưu tâm, bạn không còn mất năng lượng cho chúng, thì bạn bắt đầu có khả năng lãnh đạo tâm trí, thay vì để nó làm chủ mình.
Sự thanh lọc tâm trí, về mặt cơ bản nhất, là bạn phải thấy rõ nó có sự liên kết với các đối tượng thế gian, bao gồm ý nghĩ, cơ thể, các đối tượng bên ngoài... Vì thế, đầu tiên là cần nhìn rõ đâu là các liên kết có lợi cho trạng thái tinh thần, và đâu là không, từ đó hạn chế các liên kết bất lợi. Hãy trung thực với trạng thái tinh thần để thấy rằng đã đến lúc cần "buông" đối tượng đó. Ví dụ, một ý nghĩ tiêu cực trồi lên khiến trạng thái trở nên khó chịu, oán hận. Hãy rõ biết, bạn không phán xét ý nghĩ đó, nhưng bạn nhận thức rõ sự độc hại của nó và không còn dùng ý nghĩ đó nữa. Bạn có thể dùng ý nghĩ, nhưng đừng để các ý nghĩ (bất lợi) dùng mình.
Cũng vậy, nếu việc ăn uống cũ khiến cơ thể lẫn tâm trí nặng nề, hãy rõ biết điều đó để có sự thay đổi sang một chế độ ăn thanh đạm hơn, và nó rất giúp ích cho sự thực hành tĩnh lặng. Sự thanh lọc tâm trí, có nghĩa là sự thay đổi nhận thức. Sự quay vào bên trong, nghiêm túc, sẽ kéo theo hàng loạt các thay đổi, về cách nghĩ, về cách ăn uống, về cách giao tiếp, về mối quan hệ, về cách ngủ, về cách sinh hoạt, về cách làm việc... Trong đó, quan trọng nhất là cách nghĩ, nói, thói quen ăn uống và ngủ. Khi bạn ưu tiên sự hạnh phúc tinh thần lên hàng cao nhất- sự tự do tinh thần ở mục đích sống tối cao; thì ý thức bên trong sẽ tự thôi thúc cho bạn phải tạo ra những thay đổi để dẫn đến điều đó. Nhưng nếu sự ưu tiên lẫn mục đích sống của bạn chưa rõ ràng như vậy, hoặc chưa ưu tiên cho điều đó; thì khả năng thay đổi thường ít rõ ràng, hoặc không bền vững.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.