cấp độ ý thức

Con người là tổng hòa của ba thành phần: thứ nhất, là một động vật với tất cả những khuynh hướng vật lý và thôi thúc giác quan giống như những các loài động vật khác; thứ hai là mức độ con người lý trí, logic; và thứ ba - cấp cao nhất - chính là "đấng thiêng liêng" đang ngủ bên trong bạn. Sự theo đuổi đời sống tỉnh thức nghĩa là loại bỏ dần dần các cấp độ thấp hơn, tức từ thú tính, vượt qua phán đoán tư duy logic để tiến thẳng vào bên trong. Một khi bản chất chúng ta trở nên hướng thượng, chúng ta đồng thời đánh thức thần tính đang ngủ và nhận được sự trợ giúp trên con đường thực hành tâm linh của mình.

Cấp thú tính thường liên quan đến những bản năng sinh tồn thể xác bao gồm ăn, ngủ và sinh hoạt tình dục. Điều mà bạn thường thấy ở các loài động vật với tính hưởng thụ đơn giản nghiêng về thể xác. Bộ não con người chiếm phần lớn sự thú tính này, nếu bạn trung thực nhìn vào xã hội loài người và nhìn vào chính mình. Phần lớn những mối quan tâm của họ chỉ ở cấp độ thể xác và lo cho thể xác, bởi ý thức phần đông, đến 99,99% đều bám vào cơ thể chứ rất hiếm những khoảnh khắc họ trực nhận được bản chất vô hình tướng của chính mình. Một bộ phận đọc được bản chất họ là vô ngã; nhưng điều đó dường như chỉ nằm ở cấp độ lý thuyết, học thuật. Vượt lên cấp thú tính, nghĩa là tâm trí thanh lọc được dần dần đến hoàn toàn những ý nghĩ về đòi hỏi hưởng thụ cho các giác quan. Điều đó không có nghĩa là bạn phải gò mình vào một chiếc khuôn; mà bạn cần tư duy nhìn nhận để thấy ra việc bồi bổ cho các giác quan là nguyên nhân chính yếu cho tinh thần phiền não, và một cơ thể đồi trụy. 

Suy nghĩ sắc bén rất quan trọng trong sự thực hành tỉnh thức. Nhưng sự thực hành tâm linh không hẳn là phán đoán logic thuộc cấp độ lý trí, dù ban đầu, nó đóng một vai trò khá cần thiết như khi bạn đọc kinh sách, đọc sách về tâm linh. Nhưng lý trí không nghiền ngẫm và đúc rút được sự thật. Vì lý trí giới hạn và không thể trải nghiệm được tính toàn thể. Bởi thế, nó đòi hỏi lý trí phải lui về hậu trường (rút hẳn vào bên trong), trả lại sự thanh trong và tĩnh lặng cho tâm trí. Khi tâm trí tĩnh lặng, nó có thể trải nghiệm và quan sát toàn thể. Lúc này, sự nhận ra mới có thể trọn vẹn. Trong khi đó, lý trí có thể phán đoán dựa trên trí thông minh, rằng A rồi sẽ gây ra B, B rồi sẽ xảy đến C, nhưng nó vẫn chỉ xảy ra ở cấp độ lý trí bề mặt, dù nom tinh vi thuyết phục nhưng nó không toàn thể được. Thậm chí, nó gây ra sự căng thẳng và mệt mỏi cho tâm trí. Tính giới hạn khi bị khai thác sẽ luôn tạo ra sự suy kiệt về mặt năng lượng. 

Như vậy, sự thực hành tâm linh đòi hỏi bạn phải vượt lên cả hai cấp độ trên, để hướng thượng. Bạn có khả năng không đồng nhất với cơ thể con người-động vật này; và không mắc kẹt vào những tư duy, phán đoán logic. Bạn bắt đầu nhìn ra được tính tối quan trọng của một tâm trí tĩnh lặng. Bởi sự tĩnh lặng của tâm trí, mới tạo ra cái gọi là quan sát tổng thể, tức không bị mắc kẹt vào một chức năng giới hạn của tâm trí (là suy nghĩ, tư duy) và cơ thể (các giác quan). Tư duy sắc bén rất quan trọng trong sự thực hành tỉnh thức; ở một giai đoạn nhất định nào đó. Nhưng sự không dính mắc vào các tư duy này, mới là quan trọng hơn. Vì nếu dính chấp vào các tư duy diễn ra, nó sẽ khiến chúng ta trở nên cao ngạo, ngã mạn: "Chà mình thông minh thật đấy!" 

Nhưng đến một mức độ nào đó; nó đòi hỏi tâm trí bạn phải thường ở trong tình trạng tĩnh lặng một cách ổn định, tức khả năng dừng tư duy, dừng các ý nghĩ tự động không cần thiết. Điều này giúp xác lập tâm trí ở yên trong nguồn trái tim của nó; tức hạn chế sự phân tán, tán loạn ra thế gian. Như vậy, nếu bạn muốn đánh giá về mức độ thực hành tâm linh của mình, hãy xem xét liệu tâm trí bạn có thực sự có khả năng chú tâm và tự do khỏi những ý nghĩ ở các cấp độ thấp hơn?



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.