guru
Vị yogi nọ đã hành thiền một mình trong nhiều năm, nhưng với sự trung thực và trí tuệ nhạy bén, ngài nhìn ra mình thực sự cần một vị thầy nhằm giúp ông gỡ rối. Người viết biết, nhiều người trong số các bạn ở đây rất thông minh, nhưng khi vẫn còn bản ngã, nó vẫn sẽ gây ra những điểm mù, những bí tắc, gánh nặng nào đó, mà nó rất cần một đòn bẩy, một sự kích hoạt để mọi thứ trồi lên và hiện ra ánh sáng.
Người viết cũng đã từng gặp tình trạng tương tự. Tức bên trong đã có một sự nhận ra nào đó len lói, nhưng thứ ánh sáng tự thân ấy vẫn còn yếu. Nó chưa thể kích cho sự nhận biết mới ấy nảy sinh một cách rõ ràng. Và thế, khi nó được chỉ dẫn, tức vị thầy bên trong khiến người viết phải gặp một số người nào đó ngoài thực tế, hay bén duyên với một đoạn viết, một cuốn sách... và bằng sự chia sẻ này, điểm mù bên trong người viết được phơi bày trong ánh sáng, và làm bừng sống lên một nhận thức mạnh mẽ.
Người viết muốn nhấn mạnh về sự gây rối/ cạm bẫy của tâm trí thực sự rất tinh vi. Nó cần sự khiêm tốn, trung thực để bạn có thể "khẩn cầu" sự hỗ trợ khi thực sự cần thiết. Trong cuộc đời người viết, sự cầu nguyện cho sự giúp đỡ ấy đôi lúc diễn ra một cách rất bức thiết, vì khát khao nhìn thấy sự thật mạnh mẽ, đến nỗi nó không thể khuất phục bản ngã lì lợm này.
Trên con đường tâm linh, việc "đi đúng đường" đôi khi rất khó khăn. Bởi tâm trí sẽ thường xuyên dẫn dắt bạn đi sai hướng. "Người thầy" có khả năng loại bỏ những chướng ngại và cạm bẫy, và dẫn dắt bạn đi đúng hướng. Nếu không có sự hướng dẫn này, bạn có thể muốn đến A nhưng lại thấy mình ở B.
Người viết đã gặp những người hành thiền đều đặn nhưng họ vẫn rất mù mờ về bản chất của mình là gì và luôn nghi ngờ và không tin vào sức mạnh bản thân. Vì tâm trí họ thường xuyên đưa họ lạc vào những ý nghĩ, tham muốn, si mê, oán hận. Họ tự quăng mình vào những cơn rối rắm. Họ vẫn còn làm những thứ mà lẽ ra họ cần phải hạn chế hay vượt lên được chúng rồi. Họ vẫn để những nhu cầu thấp là vật chất đeo đẳng suy nghĩ từ ngày này qua tháng khác, vì nỗi sợ chuyện gì đó không hay xảy ra và mong muốn mọi thứ phải được đảm bảo. Họ thiếu đức tin vào chính mình. Họ thiếu nhìn nhận sự không cần thiết nữa của những lo toan, mệt nhọc, khổ não, si mê. Và thế, họ không thể trực nhận được sự đơn giản và sâu sắc của tâm hồn một cách ổn định, để có thể chắc chắn về điều đó.
Nếu ai đó hỏi người viết, rằng bạn có thầy không, người viết nói rằng: "Vâng, chắc chắn là có. Bạn không thể thấy mình, nếu không có ai đó/ điều gì đó khiến cho bạn thấy được điều đó."
Đức Swami Sivananda từng nói : ''Đừng đào những hố nông rồi lấy nước. Các hố sẽ sớm khô cạn. Hãy đào một chiếc hố thật sâu và tập trung mọi nỗ lực của bạn vào đấy. Bạn sẽ có được nguồn nước đủ để cung cấp cho bạn trong suốt cả năm. Hãy cố gắng tiếp thu triệt để những lời dạy tâm linh chỉ từ một vị thầy. Uống thật sâu từ một người. Ngồi dưới chân ông ấy trong một vài năm. Không có ích gì khi lang thang từ người này sang người khác, vì tò mò hay mất niềm tin về họ trong một thời gian ngắn. Đừng sở hữu tâm trí chóng thay đổi của một gái mại dâm. Hãy lắng nghe trái tim, và thực hành chỉ dẫn tâm linh của một người mà trực giác bạn cảm thấy đúng đắn. Nếu bạn đến gặp nhiều người và làm theo chỉ dẫn của nhiều người, bạn sẽ bối rối. Bạn sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan."
Và sau tất cả, trái tim bạn phải thực sự đủ khao khát, phải thực sự chịu khó, phải thực sự chân thành, điều đó khiến bạn nhập một được với chân ngã (chính là người thầy bên trong, người thầy phổ quát) và sức mạnh này sẽ dẫn bạn đến những vị thầy hình tướng, khi mà tâm trí bạn vẫn còn cần điều đó, hoặc bạn đủ "phước phần" để gặp một vị giác ngộ hoàn toàn. Dù sao đi nữa, hãy tạ ơn vì tất cả!
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.