lối sống buông bỏ
Vạt nắng vàng ươm dang rộng cái ôm dịu dàng lên những bông giấy trắng thanh khiết, và cả một vườn cây khiến tất thảy xanh một màu xanh tràn đầy sức sống. Những làn gió ríu rít mời gọi thiên nhiên nhảy vũ điệu lúc hân hoan tưng bừng, lúc êm dịu chậm lắng. Ôi! Ta chẳng thể ngớt lời ngợi ca tán thán bữa tiệc như chưa hề có cuộc chia ly của vũ trụ. Bằng cả tấm lòng tôn kính mà chiêm ngưỡng đó, làm sao ta chán chê điều gì được ở cuộc sống xinh đẹp này; thứ khiến ta chán, đó là những nghĩ suy bận rộn làm phiền ta, những đòi hỏi kỳ vọng đầy bảo thủ và ham muốn. Bởi chúng không cho phép ta được hòa niềm vui chung vào sự sống tuyệt diệu. Và vì chán, nên ta mới bắt đầu đi vào lối sống của kẻ buông bỏ.
Ta đặt chân lên được mảnh đất này, mà người ta đâu biết sự về đến đó, là biết bao gom góp của những bước chân thật kiên trì, và đôi khi cũng đầy rẫy mệt nhọc trước đó. Những năm tháng khi ta ngừng mọi công việc ở thành thị, và cùng đó là rất nhiều mối quan hệ, cơ hội, ta biết ta đang đi vào một lối sống mà tâm can ta đang mách bảo. Nghĩa rằng ta đã lắng nghe, và khi thực sự lắng nghe, làm sao ta có thể làm trái lòng mình. Sự rời đi đó, thật quyết liệt và dứt khoát. Ta không quan tâm mình sẽ trở thành con người như thế nào, tương lai sẽ ra sao, ta chỉ biết rằng trong hiện tại này, ta phải được sống một cuộc sống mà tâm can ta thôi thúc. Ta phải thực sự sống. Và khi sống theo cái lẽ sống của trái tim, nghĩa là ta buông bỏ được rất nhiều thứ không cần thiết. Bởi trái tim trí tuệ, luôn đưa ta vào một điều gì đó hết sức đơn giản, nhưng đủ để ta trở nên trưởng thành và sâu sắc. Từng chút, từng chút, mọi điều rắc rối cũng tự rơi rụng. Ta cứ thế, như một con rùa với bước đi rất chậm chạp, nhưng kiên trì. Sự sốt sắng sẽ làm ta bớt đi nhiều khôn ngoan, thậm chí khiến ta lầm đường lạc bước. Ta đã tự nhủ mình trong rất nhiều năm tháng, phải thật lắng lại từ bên trong, vì đời sống thế gian luôn có những éo le riêng của nó.
Cha mẹ và gia đình chưa bao giờ cấm đoán ta, nhưng ta sẽ không thể nói cho họ biết để họ hiểu được những gì mà bản thân ta suy nghiệm, trải nghiệm và mong muốn. Đó là sự cô đơn của ta trên con đường này, và ban đầu, ta phải học cách chấp nhận, im lặng và tự nỗ lực âm thầm. Con đường tinh thần, với sự tiến bộ hay trầy sụt của nó, không mấy được đám đông thậm chí thân nhân ghi nhận và thấu hiểu. Bởi đám đông chỉ ghi nhận những gì mà họ thấy được bằng mắt, bằng tai... Đó là của cải của anh, gia đình anh, bằng cấp, địa vị, sự nghiệp, mối quan hệ xã hội của anh như thế nào...
Có một bạn chia sẻ với người viết rằng: "Lợi thế của em, là em sống một mình!" Ôi! Một mình, chỉ lợi thế, khi nó được tận dụng tối đa thế mạnh của nó. Còn không, ta sẽ tự chính mình rơi vào sự cô lập, bị động, trì trệ, thiếu tỉnh giác, thậm chí, một mình khiến nhiều người tự khiến chính họ bận rộn bằng nhiều cách khác nhau. Ngồi không, một mình, nghĩ quẩn và mơ mộng. Nó là căn bệnh của xã hội này, phải vậy không? Con nai trở nên rất tỉnh giác/cảnh giác khi nó biết trong phạm vi của nó có kẻ săn mồi. Và con người cũng vậy.
Một mình, nó có lợi thế tuyệt vời, là bạn có những khoảng lặng để tĩnh tâm, phản tỉnh chính mình, chiêm nghiệm, nghỉ ngơi, tập trung vào bản thân một cách tối đa mà không bị quấy rầy. Nhưng để một mình, bạn phải là một người có ý thức kỷ luật rất cao độ, một khả năng chú tâm cao độ, một khả năng tự học tuyệt vời, còn không, bạn sẽ tự quanh quẩn với những ý nghĩ cũ rích, và sau một thời gian, bạn thấy con người mình ù lỳ, thay vì thay đổi theo chiều hướng tích cực. Để đi vào con đường của sự buông bỏ, lắm lúc, ta phải cho phép chính mình được thay đổi các điều kiện trong một thời gian nhất định, để quan sát, để nhìn nhận bản thân, để thấy ra được thế mạnh - điểm yếu của mình; từ đó có những quyết định phù hợp. Nó đòi hỏi sự can đảm để tự đưa ra định hướng sống, một cách mạnh mẽ.
Đời sống thế gian, với đa dạng cung bậc của nó, quả là một bài toán khó, vì nó thách thức lòng kiên nhẫn và đức tin của ta, vào chính mình. Một người chị đã nói với người viết: "Con người là giống loài yếu đuối lắm!" Không, những ham muốn và niềm tin sai lầm lặp đi lặp lại vô số kiếp, khiến con người tin rằng họ thực sự rất yếu đuối. Thói quen tâm trí, hay bản ngã, là điều gì đó khó phá vỡ hơn bất cứ điều gì khác. Con người, với sự sáng tạo của họ, đã giúp đồng loại bay ra ngoài vũ trụ, đã phát minh nhiều tiện nghi vượt bậc, nhưng với bản ngã, có mấy ai mà kiên quyết khám phá, nhìn nhận và vượt lên được nó? Lối sống buông bỏ, vì thế, một là người ta chẳng dám nghĩ tới, thậm chí cho nó là gàn dở, hoặc chuẩn bị nhấc một bước thì đã nhụt chí lùi lại mất rồi.
Điều gì quan trọng nhất trong sự buông bỏ? Tự nhận thức chính mình, tự phản tỉnh, tự chán chường với những điều giả tạm của thế giới này, bao gồm cả tâm trí, ý thức được mọi thứ xuất phát từ một nguồn ý thức thiêng liêng và vĩnh hằng, mà họ nói đó là Thượng Đế hay Chúa. Trong đó, đức tin vào chính mình - vào bản thể thánh thiêng - đối với trải nghiệm của người viết - là quan trọng nhất. Vì nó nâng ý thức vượt ra, hay tự do khỏi những quan niệm-nghĩ suy trần tục. Bởi buông, nghĩa là tự do khỏi tâm trí vương bụi trần của nó.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.