điều phục tâm
Bí mật của mọi thành tựu đến từ khả năng chú tâm cao độ, rèn luyện tư duy rõ ràng và lòng nhẫn nại đỉnh cao. Để điều phục một tâm trí đã bị nỗi sợ hãi và tham muốn hoành hành trong vô số kiếp sống, bạn cần bắt đầu phải học cách trút bỏ những "thức ăn" khiến cơ thể và tâm trí lệch khỏi sự điều độ; xác lập một mục tiêu rõ ràng, kỷ luật bản thân nhằm rèn luyện ý chí sống, và một lòng nhẫn nại chú tâm nhằm giúp trí óc tránh bị xao nhãng bởi vở kịch thế gian.
1. Thói quen tâm trí thường nảy sinh nhiều suy nghĩ tiêu cực. Lý trí thường tràn đầy vô vàn hoài nghi và nỗi sợ hãi. Để đầu óc không bị phân tán, vốn dĩ là trở ngại lớn nhất của sự thực hành tĩnh lặng, bạn bắt buộc phải chủ động học cách suy nghĩ ngược lại với mọi thói quen nghĩ ngợi ích kỷ và tiêu cực trước đó. Chẳng hạn, nếu bạn hoài nghi ai đó đang lừa dối hay không trung thực với mình; hãy tin rằng dù họ nghĩ điều gì, nó không quan trọng bằng việc bạn chỉ cần tin tưởng và trung thực với chính mình là đủ. Song song đó, hãy chúc lành cho họ, và luôn cầu nguyện cho họ được hạnh phúc. Việc rèn luyện cho ý nghĩ tốt đẹp nhằm giúp tâm trí thanh thản. Bởi chỉ khi bạn thanh thản, sự tĩnh lặng mới có thể xuất hiện. Trong khi đó, các suy nghĩ tiêu cực nếu được chú ý và nuôi dưỡng lâu dài sẽ là một trở ngại cực kỳ lớn cho sự thực hành. Hãy chủ động ý thức ngược lại với mọi tư duy gây rối trước đây mà bạn từng mắc phải. Hãy dứt khoát nghĩ ngược lại, vì nếu các tư tưởng tiêu cực kéo dài quá trình của nó, điều này sẽ hình thành một thói quen tư duy tiêu cực ăn sâu vào tiềm thức, đến nỗi bạn không còn nhận ra được rõ ràng rằng nó là tiêu cực nữa. Thật nguy hiểm khi bạn không còn phân biệt được món ăn nào đang gây hại cho bản thân. Khi bạn chủ động nghĩ tốt lành và thánh thiêng, đặc biệt là hướng ý nghĩ đó vào trung tâm trái tim, điều này sẽ giúp ích cho trái tim bạn cũng dần dần thấm nhuần ý vị tốt đẹp mà bạn đang hướng đến. Tâm hồn bạn trở nên thanh thoát, nhẹ nhàng. Sự chú tâm sẽ diễn ra dễ dàng hơn, khi mà tư duy của bạn không còn phải đấu tranh với những ý nghĩ tiêu cực.
2. Chú tâm có nghĩa là khả năng tâm trí không còn bị phân tán. Lúc này, tâm trí nhập vào nguồn trái tim, hay trí nhập hoàn toàn vào tâm, từ đó dẫn đến một sức mạnh soi sáng vượt trội. Bởi khi tâm trí bị phân tán, các tia sáng quá yếu ớt và hỗn loạn để có một tầm nhìn bao quát, điều này cũng gây ra tư duy không rõ ràng. Trong khi đó, sự chú tâm giúp trí óc tĩnh lặng như mặt hồ không gợn sóng, từ đó mà bạn dễ dàng soi tỏ bản chất tâm mình từ sâu bên trong. Không có sự chú tâm, bạn sẽ không bao giờ bắn trúng mục tiêu là cái ý thức thuần khiết nấp sâu bên trong. Hãy rèn luyện sự chú tâm thông qua ý thức việc hít vào thở ra. Hơi thở gắn liền với sự sống, và sự sinh động của đời sống được biểu hiện rõ qua sự luân chuyển của khí. Nếu bạn có thể chú tâm hoàn toàn vào việc hít vào thở ra rất sâu và chậm rãi, và thường xuyên trong ngày, bạn chắc chắn sẽ dễ dàng điều phục tâm, và thậm chí sinh lực đặc biệt tràn trề, và giúp ích cho việc thiền tịnh dễ dàng.
3. Sự trì trệ và lười biếng khiến cho ý chí sống của chúng ta bị yếu đuối. Chúng ta thường cảm thấy có một sức nặng vô hình níu mình lại, không cho sự sống của bản thân trở nên uyển chuyển và sinh động. Vào buổi sáng, chúng ta khó lê tấm thân khỏi chiếc giường. Đó là dấu hiệu cho một tâm trí yếu ớt, chây lười hoặc một thể chất quá yếu đến nỗi nó "nhất quyết'' muốn bạn cho nó nghỉ ngơi. Bạn bắt buộc phải rèn luyện ý chí trở lại, nhằm đưa thể chất lẫn tinh thần đi vào một sự sống sinh động.
4. Không một người nào tự dưng vào một sáng mai thức dậy mà khao khát sự tự chứng ngộ ngay. Khao khát đó thường xảy đến một cách chín chắn và không lung lay sau một thời gian rất dài luyện tâm, một cách điều độ và ổn định. Tâm trí họ thấm nhuần rất sâu sắc về bản chất con người là vô hình tướng, và thế sự luyến ái với vật chất thế gian không còn nữa bên trong họ. Người viết không khuyến khích mọi người cố gắng thái quá, vì điều đó sẽ dẫn đến khá nhiều hệ lụy. Thân-tâm-trí của chúng ta cần được thẩm thấu từng chút từng chút một ý vị thiêng liêng của nó, nguồn gốc sâu xa của nó, thông qua sự thực hành một cách chân thành, không hoài nghi, không lung lay, không sốt sắng, thật ổn định. Sự điều phục bất cứ điều gì luôn khó, vì thứ được điều phục đã có một thói quen bướng bỉnh ăn sâu đến nỗi không thể nào chỉ dẫn chỉ trong một thời gian ngắn. Thậm chí khi sự chỉ dẫn không phù hợp với thói quen tính cách của nó, thì đòi hỏi chúng ta phải kiên nhẫn thêm, thậm chí tư duy để có một phương cách khác phù hợp.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.