bạn là những gì bạn tin
1. Khi thể xác con người bệnh tật, những suy nghĩ tiêu cực xâm chiếm lấy họ; và rồi họ tin mình quá yếu đuối. Các tình huống diễn ra thực sự đang khách quan, nhưng dãn nhãn 'tự ti, yếu đuối' cho chính mình mới là nguyên nhân chính của mọi bất hạnh miên man.
Trong thế gian, ta gặp người hoài nghi về họ và về mọi người thì nhiều, nhưng rất hiếm khi, ta gặp một người đủ tin tưởng họ và thế giới xung quanh họ. Lý trí cực đoan đẩy '"chủ nghĩa hoài nghi" diễn ra theo chiều hướng độc đoán và tiêu cực. Để có một sự chuyển hóa tích cực diễn ra ở chính mình, điều chúng ta cần trước tiên, là niềm tin bản thân vốn mạnh dù các tình huống thể xác lẫn suy nghĩ có vẻ không như thế, nhưng chúng sẽ phải biến chuyển và khuất phục trước một niềm tin lớn có khả năng thôi thúc cho sự sống có một sự đảo ngược trở lại hoàn toàn.
Khi niềm tin vào chính mình được rèn luyện, nó khích lệ cho ý chí hay tâm lực điều phối thân xác lẫn tư duy hướng thượng. Mọi sự thay đổi của thế giới này hoàn toàn dựa trên niềm tin. Nhưng sự chuyển hóa nơi nội tâm con người cốt yếu không phải là tin cái gì ở bên ngoài mà xoay chuyển mọi chú ý bên ngoài thành một sự chú ý kiên định bên trong. Làm sao cho tâm lực được đánh thức trở dậy bản tính mạnh mẽ và cao thượng của nó.
2. 'Uổng một đời thông minh, cũng không thấy được cảnh đẹp yên bình'
Có câu chuyện về một nàng công chúa nọ, cả cuộc đời toan tính đủ điều để rồi phải sống và chết trong đau thương. Lời bài hát về nàng ngân lên da diết: "Hao tổn trí tuệ một đời, cũng chẳng hiểu thấu phong tình".
Trong cuộc đời, thành hay bại, tiếng tăm hay danh dự, giàu hay nghèo, đẹp hay xấu... có thực sự quan trọng đến như thế? Khi ta nằm xuống trong cỗ quan tài, mọi người đều thản nhiên tiếp tục cuộc sống của họ. Những gì về ta như cơn gió mùa thu thoảng qua dòng người vô tình. Họ vồn vã cất bước. Bởi phần đông còn không chú tâm đến hơi thở - thứ quyết định mạng sống của chính họ, thì lấy sức đâu mà suốt ngày quan tâm đến người khác, phải vậy không? Ta để cho những nghĩ suy mệt nhọc và thứ gọi là lý tưởng lớn, giấc mơ lớn, ghì nát trái tim ta đến trĩu nặng trong khi lý trí vẫn biện minh đó là thứ phải đánh đổi cho phần thưởng xứng đáng về sau. Nhưng cái giá phải trả, lắm lúc nặng nề và đầy hối hận quá. Nó phá hủy sự sống cả về thể xác lẫn tinh thần.
Con người ta, cho đến khi đánh mất đi phần nhiều hơi thở của mình, mới nhận ra, không khí quan trọng hơn bất cứ cái gì gọi là thành công hay danh vọng. Và kẻ khôn ngoan bao giờ cũng thấy nét thanh đạm và trù phú của tự nhiên, giàu có hơn bất cứ tư tưởng vẽ vời và huyễn hoặc nào.
Ta thà làm một kẻ ngốc nghếch không theo vinh hoa phú quý mà cảm nhận được sự tự tại bình dị, còn hơn chạy đuổi hư danh mà tâm trí không bao giờ chịu bình yên.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.