tình thương

Có một nàng công chúa xinh đẹp nhưng cả cuộc đời, chưa từng được một người yêu thương cô thật lòng. Từ khi sinh ra, cô đã trở thành công cụ trong tay tất cả những người liên quan. Cô bị chính người cha của mình cho làm con tin. Là em gái, nhưng nàng cũng bị chính anh trai coi là lý do để đảo chính. Cả thanh xuân, cô bị dày vò cả về thể xác lẫn tinh thần ở nước Đại xa xôi. Một người bị tổn thương sâu sắc, không chỉ bởi một dữ kiện mà rất nhiều dữ kiện trập trùng, thật dễ để thấu hiểu rằng, tâm trí non nớt ấy không có cách nào khác ngoài ôm hận thù và trút cơn hận đó lên những kẻ khác. Cả cuộc đời, trưởng công chúa khao khát một người thương cô chân thành, nhưng thật tiếc, cô lại không đủ phước phần để gặp được lang quân như ý. 

Điều đánh thức bạn biết yêu thương, là bởi có ai đó đã thực sự yêu thương bạn, một cách trí tuệ và bao dung; hoặc thông qua việc tự quan sát - thiền, và tình yêu đúng nghĩa bên trong bạn được bộc lộ. 

Nhưng cả cuộc đời, một người chưa từng được ai đó tôn trọng và thương yêu thật tâm, tâm trí ấy bị dày vò trong ý nghĩ bị ghẻ lạnh khắc nghiệt, đến nỗi nó không muốn ai khác được sống một cách như ý. Họ sẽ bằng mọi cách để khiến những người khác cũng khổ như họ đã từng khổ. Thói quen tâm trí là sự trừng phạt lên đối tượng. Nó từng bị đối xử như thế nào, nó sẽ gieo rắc điều đó lên những kẻ khác. 

Tình thương thực sự quan trọng. Nhưng để thương một ai đó, bạn phải thực sự có hiểu biết. Tình thương là không làm hại người khác từ trong ý nghĩ lẫn hành vi (bất bạo động). Nó không bao gồm sự ích kỷ cá nhân (không sân hận). Nó không phóng chiếu ký ức cũ lên đối tượng ấy. Nó không nảy sinh si mê. Nó không áp đặt tư tưởng lên người khác. Có nghĩa rằng, bạn không thể để cho những phẩm tính yếu kém tiêu cực tràn vào tâm trí, vì lúc đó bạn sẽ không có khả năng yêu thương. 

Nhưng con người chỉ có thể yêu thương đúng thông qua thiền, thông qua việc trải nghiệm một đời sống nội tâm tĩnh tại. Vì sự tĩnh lặng (không suy nghĩ lan man, tiêu cực) khiến trí tuệ nảy sinh, từ đây sự thương yêu đúng mới có thể hiển lộ. Hay nói cách khác, khi nhận thức của bạn thuần khiết thanh tịnh, khả năng yêu thương chân chính mới xuất hiện. Tuy nhiên, phần đông chúng ta thường yêu thương dựa trên kinh nghiệm, ký ức, sự giáo dục mang tính xã hội, tập tục... Các loại yêu thương này đều thấp-kém hơn; và thông thường, nó mang đến những phiền muộn do tâm của chúng ta vẫn bị phân tán bởi đối tượng. Khi tâm trí bị phân tán, mọi rắc rối sẽ luôn xảy đến. 

Như vậy, ban đầu, để cảm nhận tình thương nảy mầm, bạn cần rèn khả năng định tâm dù chuyện gì xảy đến. Bạn cần huấn luyện cho tâm trí trở nên chú tâm. Khi định lực vượt lên những náo loạn thế gian bề mặt, lúc ấy bạn mới thực sự hiểu, tình thương là ý thức tĩnh lặng. Từ ý thức tĩnh tại đó, bạn cho đi cách cư xử cao thượng, cho đi sự tử tế nhẫn nại, cho đi sự tự do độc lập, cho đi lời nói nghiêm khắc mà dịu dàng... Nhưng sau cùng, bạn không còn dính mắc. Yêu là luôn cho. Bởi từ tâm thức đủ đầy đó, nó không còn thấy thiếu để mà mong cầu nhận lại. Chỉ một tâm trí còn bị những phẩm tính yếu kém quấy rầy mới tham cầu được đối phương cho lại điều gì đó. 

Thực tế, người ta đau khổ vì có thói quen nhớ những gì khiến họ khó chịu; trong khi đó lại dễ dàng lãng quên mọi thứ khiến họ cảm thấy bình an và hạnh phúc. Trong cuốn Yoga Sutra, Patanjali nhấn mạnh rằng, rõ ràng, con người có thể tránh xa mọi ý nghĩ xấu ác, ô uế, bất lợi nếu họ muốn nhưng thường thì họ không nỗ lực hết mình. Ai đó khiêu khích hoặc làm tổn thương bạn thì người đó sẽ xuất hiện trong tâm trí bạn thường xuyên hơn là người đã truyền cảm hứng bạn. Tâm trí sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm theo cách này. Nhưng lỗi lại đến từ sự huấn luyện mà chúng ta dành cho nó.



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.