duy nhất
Đừng cố gắng áp dụng thành quả giác ngộ của Đức Phật vì điều đó có nguy cơ khiến bạn vô thức theo đuổi một hình mẫu, một lý tưởng giác ngộ theo ý muốn chủ quan của mình. Đừng cố gắng lý luận phân tích tiểu sử của bất cứ ai, hay những chọn lựa trong cuộc đời họ, bởi chỉ mất thì giờ công sức trong khi bản thân thì thiếu trải nghiệm - chiêm nghiệm để thấy ra sự thật ngay nơi mình.
Mỗi người là một pháp duy nhất, ý ám chỉ không có cuộc đời người nào là giống người nào. Đừng quá toan tính hay đổ lỗi cho những lựa chọn của mình: hôn nhân, tình yêu, công việc, môi trường sống,... Bởi đạo vị không nằm ở hoàn cảnh, mà nằm trong chính thái độ sống của mỗi người. Hãy lấy hoàn cảnh hiện tiền của mình làm điều kiện cho sự giác ngộ của bản thân. Nếu bạn đang yêu, đang sống trong một gia đình với nhiều lo toan, phiền não, hãy lấy đó làm điều kiện để thấy ra sự thật về khổ - vô thường - vô ngã. Khổ đến từ việc tạo tác vô minh tham, sân, si; vô thường là mọi thứ đều biến dịch - sinh - diệt liên tục, biết thế, để không bám chấp vào bất cứ điều gì kể cả hạnh phúc hay an lạc; vô ngã ám chỉ không có gì là ta, của ta, tự ngã của ta,... Tất cả mọi thứ là mọi thứ theo cách mọi thứ là. Không có một sự sở hữu nào diễn ra trong cuộc đời này, mà chỉ là cái ta ảo tưởng về sự nắm giữ mà thôi.
Rốt cuộc thì trường đời là một nơi huấn luyện và đào tạo sự giác ngộ, ở đó chúng sinh phải học đi học lại rất nhiều bài học cho đến khi thấy ra sự thật rốt ráo. Đừng tưởng ta có thể chọn lựa cho mình điều gì thật may mắn hay hoàn hảo, mà phải thấy ra được sự bất toàn ở cuộc đời thì mới thấy một cuộc đời hoàn hảo vốn chỉ có tại tâm mình. Và nữa, cuối cùng thì, tất cả bài học đến - đi chỉ để thách thức sự chịu đựng của ta về việc "Ta không là gì cả!"
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.