quan sát khác theo dõi
1/ Không có một nỗi đau nào là vượt quá sức chịu đựng của con người mà chỉ có thái độ chống đối, phán xét, chìm đắm,... mới là tác nhân khiến cho họ có cảm giác như mình không thể chịu đựng nổi cơn đau đó. Khi đau, khi khổ, hãy cảm nhận thấu đáo trọn vẹn sự đến-đi của nó để thấy ra được vô thường. Không có một nỗi đau nào ở lại mãi, mà chỉ có nỗi đau bị giữ, bị kiềm chặt lại bởi thái độ đè nén, trốn tránh hay chống chối mà thôi. Khi có một nỗi đau trên thân, hay tâm, nếu bạn phản kháng lại, bạn sẽ càng thêm đau. Nhưng nếu cứ kiên nhẫn bình tĩnh thả lỏng quan sát, thì kiểu gì đau nào sinh rồi cũng diệt. Khi bạn quan sát trong sáng, bạn không bị mắc kẹt vào một điều gì cả. Đó là điều quan trọng nhất của quan sát. Quan sát chứ không phải là theo dõi (follow). Vì khi theo dõi, bạn có một đối tượng để theo, đó không phải là quan sát, đó là tập trung. Theo dõi thường là cái dụng của lý trí, vì thế, nếu bạn theo dõi lâu, bạn sẽ cực kỳ mệt và thậm chí gây ra thần kinh căng thẳng. Hãy hiểu một cách đơn giản thôi: là quan sát mọi thứ tự nhiên và trong sáng. Khi đó, bạn không hề bị dính mắc vào điều gì. Khi không dính mắc vào điều gì, bạn có sự tự do. Như vậy, khi quan sát trọn vẹn, bạn tự do trọn vẹn.
Ban đầu, sự quan sát của bạn chưa được trải rộng. Thứ nhất, vì tập khí của bạn còn dày, nên sự soi sáng đó chưa thể thông hết tập khí được. Giống như mây dày quá nên sự soi sáng chưa thể xuyên suốt mây dày đấy được. Nhưng nếu bạn có được sự quan sát như thế này từ ngày này qua ngày khác, thấy ra được sự vô thường của biến động tâm, thì bạn bắt đầu trải cái thấy của mình ra rộng hơn. Bạn có sự nhạy bén hơn với bên trong mình, lẫn bên ngoài mình.
2/ Mọi chuyện diễn ra trong cuộc đời này đều là nhân duyên để thử thách thái độ ứng biến của ta trước mọi hoàn cảnh. Đã là duyên thì bao giờ cũng vô thường (sinh - trụ - diệt), vậy nên đứng trước mọi sự diễn ra, đừng trao cho nó một lập luận, mà hãy cứ quan sát như nó là để thấy được diễn biến đến - đi của nó. Chiến tranh, đói nghèo, bệnh dịch, thiên tai,.... hay hòa bình, thịnh vượng, khỏe mạnh,... đều là hai mặt của thế giới, đều nói lên bản chất hai mặt của cuộc đời. Chúng ta đến với cuộc đời không phải để chọn một mặt (hạnh phúc, hòa bình), mà là đối diện với cả hai mặt phúc - họa mà tâm vẫn tự tại. Người ta nói Bồ Tát từ bi thị hiện để cứu vớt chúng sanh, không có chuyện đó đâu nên hãy ngừng mơ tưởng. Nếu có, thì chỉ có Bồ Tát bên trong mỗi người tự cứu lấy phần chúng sanh vô minh bên trong anh ta. Vậy nên từ bi của Bồ Tát không phải là yêu thương giúp đỡ ai đó có một điều gì đó như an lạc, mà là nhìn chúng sinh đau khổ nhưng vẫn ung dung vô sự trước đau khổ của chúng sinh vì Ngài biết chỉ trong chỗ đó, chúng sinh mới thấy ra bài học về Khổ - vô thường - vô ngã. Đó mới là cái tâm tự tại của một đại Bồ Tát.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.