sự thật không nằm trong ngôn ngữ
Một câu hỏi dễ nhưng cũng rất thách thức con người hôm nay: "Vì sao sự thật không nằm trong ngôn ngữ!?" Khi bạn thấy một bông hoa cúc, sự thật của bông hoa cúc chỉ mình nó mới có thể tự phản ánh. Khi bạn viết "hoa cúc thơm, đẹp, màu vàng" vào giấy thì đó không còn là sự thật của hoa cúc đó nữa. Vì nó chỉ đơn thuần là cái cảm nhận của bạn mà thôi. Nó chỉ đơn thuần là một mớ ký tự được viết bằng một loại bút nào đó, chứ nó đâu phải hoa cúc thực. Hãy liên tưởng điều này đến người họa sĩ vẽ chân dung. Anh ta vẽ vợ mình. Bức vẽ của anh ta có đẹp đến đâu thì đó cũng không phải sự thật về vợ của anh ta. Bởi sự thật về vợ của anh ta chỉ nằm trong chính người vợ đó thôi.
Như vậy, sự thật chỉ nằm trong thực tại sự sống đó mà thôi. Không ai có thể phản ánh sự thật thực tại, mà chỉ mình thực tại mới có thể phản ánh chính nó. Không ai có thể nói sự thật về bạn, về tôi, về tất cả các sự vật sự việc trong cuộc đời này. Sự thật về bạn, về tôi, về tất cả,... nằm trong chính bạn, tôi và tất cả. Nhưng tại sao con người lại tin vào ngôn ngữ mù quáng đến vậy? Tại sao họ lại tin lời của một người A nói về một người B để rồi cho rằng lời nói đó phản ánh đúng sự thật về B? Điều đó cho thấy chúng ta đã bị dính mắc vào rừng quan niệm lý trí, ngôn ngữ, vọng thức quá sâu dày.
Về đạo, pháp học của bạn càng tinh tấn thì pháp hành của bạn càng có nguy cơ mắc kẹt. Chúng ta đánh mất cái thấy giản đơn, trong sáng với mọi sự diễn ra trong mình và xung quanh mình, vì phổ biến, ta thường gán cho những gì mình thấy bằng một quan niệm thẩm mỹ, đạo đức, lý luận,... Chúng ta thường nhìn mọi sự thông qua sự đánh giá chủ quan của mình. Sự thật nó không bao giờ nằm trong sự đánh giá. Sự thật nó chỉ nằm trong chính thực tại chính nó mà thôi.
Khi còn là một nữ sinh chưa biết gì về đạo học, tôi cũng như nhiều người khác, khi nghe một ai đó nói chuyện gì đó về B, về C, trong tôi cũng thường có niềm tin rằng B hay C như vậy. Chính sự dính mắc này tạo ra cái ảo tưởng của mình về B và C, trong khi sự thật của B và C thì chỉ mình B và C biết mà thôi. Có ai biết tâm bạn ngoài chính bạn không? Thậm chí giờ đây nhiều người còn không nhìn thấy tâm mình? Vậy thì sao bạn có thể thấy sự thật về người khác, khi mà bạn không phải trong chính họ? Bạn không bao giờ có thể biết sự thật về người khác đâu, mà chỉ có thể biết họ như họ là mà thôi. Biết họ như họ là ở đây có nghĩa là họ có ra sao, như thế nào, thì cứ chỉ đơn giản thấy thế. Tâm không mắc kẹt trong sự phán xét, tư tưởng của mình về họ. Nhưng đời sống phức tạp vì ai ai cũng mắc kẹt trong quan niệm của mình về mình, về người khác, về xã hội,...
Khi học đạo, nếu bạn tin lời Phật dạy, thì niềm tin đó không phải là trí tuệ, mà thậm chí là mê tín dị đoan hay cuồng tín. Đừng cho rằng kiến thức về đạo học nhiều thì mình sẽ có nhận thức tốt hơn người khác, mà nhận thức tốt nó nằm ở thái độ sống của người này khi đối diện với các nhân duyên mang tới. Nếu thái độ của họ là vô sự, không vướng mắc vào tham, sân, si thì đây mới chính là trí tuệ.
Vì sao ta phải nhìn mọi thứ như mọi thứ là? Đơn giản thôi, vì bạn không thể phản ánh sự thật của mọi thứ bằng quan niệm của bạn đâu! Và một khi bạn bị dính mắc vào một thứ nào đó, bạn chắc chắn mất tự do, bạn sẽ bị phiền não và mệt mỏi vì bị dính mắc vào nó. Khi bạn tin một ai đó nói xấu về B, bạn đâm ra nghi hoặc, phán xét, tất cả chỉ khiến bạn phiền não. Những phiền não luôn diễn ra trong chính cái đầu thích tự biên tự diễn của bạn. Nhưng cũng chính cái ta ảo tưởng nghĩ cái tự biên tự diễn đó là thật. Và bạn lại vô thức đồng hóa vào niềm tin này. Đó là lý do vì sao con người không thể sống trọn vẹn với thực tại đang là.
Nếu bạn không nhìn ra được điều này, bạn hãy tự hỏi mình chánh niệm - tỉnh giác để làm gì? Vì nếu không nhìn ra được tại sao cần chánh niệm - tỉnh giác, thì không thể thực hành nó tự nhiên trong đời sống mỗi ngày được!
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.