trong thấy chỉ thấy

8:24:00 PM
Thi thoảng tổ chức sự kiện cũng gặp lại những người cũ, đặc biệt là chị, có lẽ khá duyên nên lần nào kết thúc buổi chia sẻ, cả hai cũng ăn trưa cùng nhau. Chị nhắn tôi: "Chị có một mối quan hệ rất kỳ lạ, thấy rằng cả hai rất đồng điệu, xem nhau như tri kỷ, không hề có ý tiến xa hơn trong chuyện tình cảm yêu đương, nhưng không hiểu sao, nhiều lúc chị vẫn cảm thấy bực mình như thể anh ấy luôn khiến cho chị dễ sân, dễ bị tổn thương."

Tôi trả lời: "Vậy là chị gặp được quý nhân rồi! Bất kể người nào đến với mình mà "gián tiếp" lôi được những tập khí tham, sân, si bên trong mình trồi ra là cần phải cảm ơn họ. Vì chúng có trồi lên thì mình mới có cơ hội thấy. Thấy tập khí càng nhiều càng tốt. Chứ nếu duyên bên ngoài cứ tốt lành hoài làm sao mình phát huy tánh thấy của mình được. Làm sao mình soi sáng tham, sân, si cho chúng tự tiêu tan dần!"

Có vẻ như người ta không hiểu được nguyên lý vận hành của tập khí bên trong họ, nên khi tập khí khởi lên, một là họ đè nén chúng xuống, hai là họ trốn tránh chúng. Bằng cách này, tập khí sẽ chẳng đi đâu ngoài việc như "cọp bị đuổi vể rừng". Sẽ đến lúc chúng đói khát và lì lợm hơn thôi. Vì không hiểu, nên người ta rất khó chấp nhận những ý nghĩ tư tưởng tiêu cực ác độc sân hận bên trong họ. Họ không thể đối diện với chúng. Nhưng nếu không đối diện được với chúng, bạn không bao giờ có thể hiểu được mình. 

Cũng có lúc chị có ý hỏi về sự tu học mang tính cá nhân của tôi, tôi đáp: "Chị đừng lý tưởng hóa em làm gì cả. Em chỉ đơn thuần là một người học đạo rất bình thường, một người đang phát huy tánh biết, thấy ra những tập khí tham, sân, si được huân tập từ nhiều đời kiếp của mình. Hãy cứ chân thật với bản thân, thì mình sẽ không đưa ra một kết luận nào cả. Cứ đơn thuần thấy ra sự thật ở nơi thân thọ tâm pháp mà thôi!"

Vậy một người học đạo đơn giản là chân thật với chính bản thân họ. Một khi họ chân thật với chính mình, họ sẽ không né tránh việc đối diện với bất cứ điều gì đang khởi sinh bên trong mình. Nhưng con người thường rất e sợ việc đối diện đó. Như chị kể, nhiều lúc chị thấy tâm sân của mình khởi lên, chị rất xấu hổ, bảo đã gần 40 tuổi đầu còn phản ứng như con nít. Nhưng như tôi đáp, tập khí không có tuổi tác, nó là những sự trồi lên bất chợt khi gặp ngoại cảnh thích hợp - thứ gián tiếp lôi nó trồi ra. Như con hổ ngửi được miếng mồi ngon ắt nó không ngại chạy từ rừng sâu ra để "chén" con mồi. Nhiều người nghĩ rằng ở tuổi 80, người ta không ứng xử như con nít sao? Tuổi tác già không quyết định điều đó, mà cái chính nằm ở chỗ họ có chịu học bài học giác ngộ không mới quyết định điều đó. 

"Chị cứ thuận duyên mà gặp và trao đổi với họ. Đừng đặt nặng mối quan hệ, mà đơn thuần thấy mình thông qua sự tương giao ấy thôi. Một khi chị thông suốt, thì chị sẽ không còn dính mắc vào mối quan hệ đó nữa, và không còn muốn thỏa mãn cái tôi thông qua việc chia sẻ với họ." - Tôi nói với chị.

Chị bảo tiếp: "Hồi trước chị nghĩ hàng hiệu phù phiếm nhưng giờ chị lại đam mê dấn thân vào đó rồi Trang ơi. Nhưng khi mua nó, chị thực sự vui lắm." - Chị nở một nụ cười hồn nhiên.

"Chị mua thì cứ mua. Đó là lựa chọn trong cuộc sống của chị. Ít ra chị vẫn nhận thấy mình còn ham muốn, chứ không nhận ra mới nguy hiểm. Thực ra, đời sống bên ngoài - ngoại cảnh - vẫn đóng một vai trò vô cùng quan trọng để thông qua đó con người có cơ hội xúc tác -  trải nghiệm mà hiểu hơn về chính mình. Đừng đặt nặng việc tu quá để rồi kìm nén các ham muốn, để rồi cho mình vào một khuôn mẫu lý tưởng sinh hoạt. Cứ tự do chọn lựa song song đó vẫn quay về chính mình, thấy ra bản thân mình là được. Bằng cách này, người ta mới biết buông một cách đúng đắn. Vì buông phải xuất phát từ tuệ tri."

Có chuyện ông anh kia biết đến tu học, nhưng lại hiểu theo buông theo lý tưởng riêng của mình. Ông bán hết nhà cửa và xe hơi xịn, rồi tự ca ngợi ta đây đã biết buông. Khi gặp một người bạn bước ra từ chiếc xe Rolls Royce, ông khinh bỉ: "Chú mày còn tham, sân, si lắm!" Người bạn đáp: "Vậy khi nói điều này, bên trong ông có sân si không?" Ông kia ngộ ra. 

Vậy nên, trước trải nghiệm của một ai, cứ thấy thôi. Vì mọi đánh giá đều là chủ quan, đều không thể nào phản ánh đúng sự thật. 

Tôi bảo chị: "Chị thấy bây giờ người ta khi gặp nhau, nhưng toàn bị mắc kẹt trong cảm quan của mình với đối phương ở lần gặp cuối không? Người ta dường như đều không thể thấy ra được sự mới mẻ của đối phương, vì họ không thấy ra chính mình. Họ luôn mắc kẹt vào tâm lý đánh giá của mình với đối phương mà thôi. Nhưng nếu người ta chánh niệm - tỉnh giác, họ luôn thấy cuộc gặp nào cũng là lần đầu."

Chị hỏi tôi: "Em tin điều gì?", tôi đáp: "Em chẳng tin điều gì cả!" Nói điều đó không có nghĩa là mình bi quan trong cuộc sống, hay vô cảm trước cuộc đời. Bởi tin làm gì, cho dính mắc hữu hạn vào điều đó. Chỉ là cứ thấy trong sáng vậy thôi. Vì tin sẽ không phản ánh đúng sự thật. Cứ trong thấy chỉ thấy, trong nghe chỉ nghe, lúc đó sẽ thấy ung dung, vì mình chẳng dính mắc vào một bên nào. Chính niềm tin cố hữu là ngục tù của nội tâm. 

...






No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.