đừng vội tin

6:51:00 PM
Đừng vội tin bất cứ điều gì cho đến khi tự mình trực nhận được nó. Ngày nay, có vô vàn thông tin đổ ập tới bạn theo các hình thức khác nhau từ mạng xã hội đến đời thực, nhưng có bao nhiêu thông tin trong đó bạn tự thấy ra? Nếu bạn tin vào điều bạn chưa trực nhận, có phải là bạn đã dính mắc vào nó rồi tự làm khổ mình rồi không? Trong học đạo cũng tương tự, sự thật phải tự bạn chứng ngộ, nếu chưa thực sự thấy ra, thì đừng vội tin, ngay cả những lời Phật dạy, hay bất cứ bậc chân sư nào dạy. Vì một khi bạn tin, mà bạn chưa tự chứng, thì đó không phải trí tuệ, đó chỉ đơn thuần là "mê tín". 

Khi học Phật, ban đầu, tôi có hơi nghiêng một chút về đức tin vì lúc đó có thể nhận thức của tôi chưa thực sự tới. Nhưng qua một thời gian trải nghiệm, đi vào cốt lõi nguyên lý tu học, tôi lại thấy ra Tứ Diệu Đế (4 sự thật vi diệu) ngay trong chính trải nghiệm của mình. Về nguyên nhân sinh khổ và sự diệt của nó, sự vô thường của mọi sự vật hiện tượng, để rồi thấy ra không gì là ta, của ta hay tự ngã của ta (vô ngã). Như vậy, học đạo là phải quán chiếu vào chính thân tâm mình để thấy ra sự thật ngay nơi mình. Nếu bạn không quán chiếu vào mình mà thấy, thì dù có đọc bao nhiêu kinh sách, dù có theo bao nhiêu sư thầy, thì cũng không bao giờ nếm được hương vị giác ngộ - giải thoát. Vì sự thật không bao giờ nằm trong ngôn từ và lời dạy, đó chỉ đơn thuần là phương tiện để qua đó, bạn tự thấy ra sự thật trong thân tâm mình mà thôi. 

Suy cho cùng, học Phật đơn giản vậy, nhưng con người lại vội vàng kết luận và mê tín để rồi tự nhốt mình trong một lý tưởng tu học, tự hình thành cho mình về một thế giới ảo tưởng trong tâm trí mình.

Hôm nọ có một người hỏi tôi: "Em học Phật nhưng không tin vào luân hồi, cũng không tin vào nhân quả theo nghĩa siêu nhiên thì có được không chị?". Tôi đáp: "Luân hồi và nhân quả có thể thấy ngay trong chính điều kiện hiện tại của mình. Ví dụ: Cơn giận khởi sinh - diệt đi, do em không quan sát nó, nên nó liên tục lặp đi lặp lần sau (đó chính là luân hồi sinh tử). Nhiều người hiểu nhầm luân hồi là tái sinh (tức mình chết đi, và tái sinh trong kiếp sau ). Luân hồi sinh tử chính là cảm xúc, suy nghĩ, tam độc tham, sân, si... sinh diệt liên tục trong em. Còn về nhân quả: Em nóng giận, không kiềm chế được cơn giận, nên đau tim (không kiềm chế được giận là Nhân, Quả của nó là đau tim). Em vốn có thể trực nhận sự thật luân hồi sinh tử và nhân quả trong chính điều kiện của mình, chứ không cần vin vào những chuyện xa xôi mang tính siêu nhiên của bất cứ cuốn sách hay lời của bất cứ ai. Vì sự thật là phải chính mình trực nhận, khi chưa trực nhận được thì đừng vội tin!" 

Đó là lý do vì sao Phật dạy "Trong thấy chỉ thấy, trong nghe chỉ nghe, trong thọ tưởng chỉ có thọ tưởng, trong thức tri chỉ có thức tri,", hàm ý thấy và đơn thuần thấy vậy thôi, nghe và đơn thuần nghe vậy thôi, cảm thọ sao thì biết vậy thôi... Còn nếu mình đưa cho nó một kết luận, một ý kiến chủ quan, một phán xét, một đánh giá... thì hoàn toàn chẳng phản ánh được sự thật nào ngoài việc dính mắc vào những ý tưởng chủ quan đó. 

Đừng vội tin ở đây không có nghĩa là đa nghi, nghi ngờ, nghi hoặc của tâm si. Mà đơn thuần là đừng dính mắc vào bất cứ lời nói, thông tin,... nào cho đến khi tự mình trực nhận chúng.  

Có một điều rất dễ thấy là ngày nay, thông tin giả trên mạng rất nhiều nhưng con người vẫn vội tin rồi đánh giá và phán xét người nọ người kia. Sự phán xét chẳng có tác dụng gì, thậm chí là gây hại cho chính bạn vì bạn đang mắc kẹt vào tâm sân. Bạn đang tự "thiêu đốt" chính mình bởi thói định kiến, trong khi chưa tự trực nhận nguồn cơn vấn đề. 

Có nhiều chuyện trong cuộc đời này không thể tự trực nhận, nhưng không vì thế mà mình cứ tin. Cứ đơn giản biết vậy thôi! Hãy lắng nghe bằng sự thấu hiểu, nhẫn nại, vì sau tất cả, sự phán xét nào diễn ra đều không có một chút ích lợi nào ngoài việc bạn đang tự tạo ra cái nhân xấu trong kiếp sống này!





No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.