đọc

10:12:00 AM
Đọc nhiều mà không biết dừng, không thấy ra chính mình trong lúc đọc, thì đầu óc chắc chắn nặng nề "khó tiêu". Như việc ăn, khi thấy đồ ăn ngon nên thích và ăn tới bến đến nỗi đầy bụng và đau bụng. Nếu nhiều lần vậy thì hậu quả cho hệ tiêu hóa thật sự khó lường. Khi bụng bị đầy, tự nó biết đào thải để trở về trạng thái cân bằng. Nhưng nếu một người đọc nhiều, tích lũy nhiều, mà không biết thông, biết buông, thì trí óc cũng "khó tiêu" và nặng nề y hệt dạy dày lúc bị hấp thụ quá nhiều thức ăn. Vì thế, đừng nghĩ đọc nhiều mà tốt, mà trí tuệ. 

Ăn uống hiệu quả là biết đói thì ăn, và ăn có điểm dừng, tức vừa đủ, không để bị quá no. Dù thức ăn có ngon đến đâu, thì cũng không bị tâm tham chi phối. Và lúc ăn thì nhai kỹ, như đọc sách, cứ đọc từ từ để chiêm nghiệm vậy. Và thấy cần thiết thì đọc, không thì thôi, và nếu đọc không hiểu thì chớ nên cố đọc. Như việc ăn, biết món này không ăn nổi thì sao phải quá cố. 

Người ta nói học lý trí thì ngày càng tăng, học đạo thì ngày càng giảm. Tức, học đạo là đi đến chỗ vô ngôn, không còn dựa vào kinh điển, lý luận ngôn từ mà nếu có, đó chỉ là một phương tiện diễn giải, khai thị, trò chuyện... Một người học đạo, đi đến chỗ ung dung thấy ra sự thật, thì không còn cần thiết đọc kinh điển. Vì sự thật không nằm trong điển, và thế họ thấy nó không cần thiết. Họ đơn giản sống tùy duyên thuận pháp. Vì thế, đừng cho rằng một người không đọc nhiều là thấp, một người đọc nhiều là cao. Cao hay thấp, chỉ là phán đoán của lý trí, chứ mỗi người đều có cách học riêng của họ, mà ta chẳng thể nghĩ bàn được đâu!




No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.