sự phán xét và lắng nghe
Cuộc hành trình khám phá chính mình càng lúc sẽ càng âm thầm chia sẻ với chúng ta rằng, có hai điều quan trọng cần ghi nhớ, (1) sự phán xét sẽ chỉ khiến ta bó hẹp hành trình và tắc nghẽn sự rộng mở của tâm, (2) nếu không có sự lắng nghe, tất cả chỉ là bề nổi, không có chiều sâu.
Chúng ta đã có đủ tất cả "thần thông" để bắt đầu cuộc khám phá đó. Khác với những chúng sinh khác, con người là một món quà đầy đủ trọn vẹn nhất mà tạo hóa "phát minh" ra. Chúng ta rốt cuộc không cần tìm kiếm thần thông đâu xa xôi, mà đôi mắt, đôi chân, đôi tay, đôi tai... của chúng ta chính là thần thông. Điều này, mỗi người có thể dễ dàng trực nhận, vì bây giờ, bạn chỉ cần nghĩ đến tình huống mình mất đi một trong số các bộ phận đó. Bạn sẽ thấy sự sinh ra của các yếu tố thân thể này vốn dĩ là thần thông. Một người đầy đủ tất cả các bộ phận trên thân thể có thể nói rằng, họ có phước báu lớn. Giờ đây, bạn hãy thử nhìn trong xã hội chúng ta, vẫn còn rất nhiều người khuyết thiếu bộ phận nào đó trên thân thể. Điều này không phải là để so sánh, mà để ta thấy rằng, sự đầy đủ trên mình là một điều mà ta cần biết ơn. Và điều đó đều có liên quan mật thiết đến những gì ta đã "gieo trồng" và "nuôi dưỡng" ở mùa trước. Một cây lúa phát triển tốt khi nó có đủ yếu tố hội tụ cho sự phát triển đủ đầy đó. Nhưng nếu nó phát triển không đủ đầy, hẳn là có nguyên do.
Khi nói đến sự phán xét. Khi ta phán xét một người, thực ra đang phán xét chính tâm mình. Tâm ta phải có điều gì đó không bằng lòng, nên mới có sự phán xét. Ta phán xét chính cái sự không lòng đó của mình. Ta đang có một sự bất mãn với chính mình, và ta giải quyết điều này, thông qua sự phán xét người khác nhằm thỏa mãn điều đó. Và rồi cũng sẽ có người phán xét chúng ta vì điều nọ điều kia, và thế giới này toàn chĩa súng vào nhau, nhằm giải quyết sự bất mãn bên trong họ. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng ta cần đi tìm kiếm sự hài lòng, ở các ngoại cảnh mà chúng ta yêu thích. Vì thực tế, đó là một kiểu bù đắp bề nổi, nhưng thực ra là vẫn đang trốn tránh cái tâm ý phán xét vi tế bên dưới. Chúng ta không cần tìm kiếm sự hài lòng, hay là cứ tiếp tục phán xét. Mà ta cần hiểu rằng mỗi cây lúa đều đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau, sự phán xét chẳng giúp ích gì cho việc cây lúa phát triển cả.
Về lắng nghe. Con người đã quá vô thức lôi cuốn bởi bao nhiêu thứ bên ngoài, và quên mất chính kho tàng bên trong họ. Họ có thể nhận định một vấn đề ngoại cảnh thật logic, thật khoa học, nhưng khi nói đến tâm trí, họ nói ra một cách rất rối rắm và gần như mắc kẹt. Họ không hề biết rằng khoa học tâm trí là thứ làm nên "khoa học" ngoại cảnh do họ thiết kế. Một cái nhà ở được thiết kế khoa học, đến từ một tâm trí tư duy khoa học. Một cuộc hôn nhân bất hạnh, đến từ những cá thể đang tồn tại trong mớ hỗn độn của tâm trí, nhưng lại không thấy ra được sự vận hành khoa học của sự hỗn độn đó. Tâm thức phức tạp, là do con người không nhìn ra được sự phức tạp đó. Khi nhìn ra được sự phức tạp, họ sẽ sống đơn giản. Như vậy nhìn ra được sự vận hành phức tạp của tâm, mới có thể sống đơn giản thật sự. Chứ không phải là sống đơn giản, là đơn giản thật sự. Có lẽ, chúng ta cần chiêm nghiệm thêm về điều này.
Trạng thái tâm phức tạp không nói lên một người sống phức tạp. Mà thái độ sống phức tạp quyết định đến sự phức tạp của con người đó. Khi thái độ sống giản đơn nhìn ra được trạng thái tâm phức tạp, họ vẫn có thể duy trì một lối sống tư duy hết sức lành mạnh và khoa học. Nhưng một khi trạng thái phức tạp mà thái độ sống bị dính cuốn vào sự phức tạp đó, thì mọi biểu hiện sống giờ đây là hỗn loạn.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.