không có chia xa

Cuộc sống cho ta trải nghiệm đủ sự chia tay để ta nhận ra rằng vốn dĩ không có một cuộc chia tay nào. Chia tay không hẳn để ta mạnh mẽ hơn, can đảm hơn, mà là để ta nhận ra rằng mình không hề là một bản ngã nhỏ bé cô lập và độc lập khỏi mọi sự vật hiện tượng của đời sống, mà suy cho cùng, mọi sự tương giao về mặt hình tướng chỉ là để mỗi người nhận ra họ là cái toàn thể, là cái nhận thức vượt ra khỏi hình tướng. Và bên trong hình tướng được thể hiện qua thân thể của mỗi người, ấy là cái nhận thức chung mà ta gọi là Phật tánh. Phật tánh không tách rời, nó có mặt ở khắp mọi nơi, ở trong bạn, trong tôi, và thế, làm sao ta gọi là chia xa được? Ta chia xa cái gì khi mà ta và bạn đều là Phật tánh. Chỉ có cái bản ngã bé nhỏ tự huyễn hoặc ra mọi chuyện về chia ly và vĩnh biệt. Chỉ vì ta đồng hóa mình vào hình tướng, vào thân thể này, nên mới nghĩ là có chia xa. 

Tôi từng cảm động trước những chuyến rời xa, rời xa một vùng đất hay một con người. Bản ngã bên trong tưởng rằng nó đã đánh mất điều gì đó. Sự tưởng tượng đó được thể hiện qua sự luyến ái với bất cứ thứ gì gây cho nó cảm xúc của sự thỏa mãn. Và giờ đây, bản ngã thấy nó không còn được thỏa mãn nữa, nó tự diễn ra một câu chuyện rất bi thương. 

Nhìn sâu bên trong mình, phần lớn cảm xúc ta trải qua vì ta có dính mắc với cảnh, với người. Ta có cảm xúc vì sự việc ấy đụng chạm phải một quá khứ tương tự mà ta chưa giải quyết được một cách triệt để. Và giờ đây, cảm xúc cũ bị kiềm chế lẫn cảm xúc mới hợp lại với nhau để kích động ta. Nhưng khi sự quan sát xảy ra, và ta sẽ thấy một điều rằng chỉ có cảm nhận, đón nhận, lắng nghe tận cùng cảm xúc đó, mới giúp ta nhận thức được mọi suy tư về chia xa chỉ là sự huyễn hoặc của lý trí. Khi ta chạm vào cõi vô tướng, vào thật sâu bên trong mình, ta sẽ thấy rằng những gì đã qua, những gì chưa xảy đến, đều nằm trong giây phút hiện tại. Tất cả đều ở đây. Không có chia xa, không có vĩnh biệt. Chỉ là những tương giao của duyên để giúp ta trở về chính mình, nhận ra tất cả là Một, vì tất cả là Phật tánh. 

Tình cảm là một bài học, một nhân duyên thật tốt lành để mỗi người nhìn thật sâu vào bản chất của hai từ "chia tay" vốn do bản ngã huyễn hoặc. Thực ra, khi ta thật sự thương một người, sẽ rất trái ngược với khi ta luyến ái một người. Thương là tự do, luyến ái là buộc ràng. Thương không đau khổ, còn luyến ái thì gây ra nhiều bất mãn. Và nhìn thật sâu vào luyến ái, ta thấy thực ra mọi cử chỉ quan tâm của ta dành cho người là để ta thỏa mãn ham muốn của chính mình. Vì quan tâm người khác cũng có thể là một ham muốn, và nó trở thành sự bận tâm. Nếu không quan tâm theo kiểu đó, ta liền cảm thấy khó chịu. Đó là một mô thức tâm thức bên trong con người, khi họ đã đồng hóa mình vào thói quen chăm sóc và thương yêu kiểu vậy. Và khi ai đó hành xử yêu thương khác họ, họ liền thấy người đó không biết gì về thương yêu cả. Như vậy, mỗi bản ngã đều có một mô típ thương yêu khác nhau, rốt cuộc, thương yêu giờ đây giữa người với người được phân mảnh và được thể hiện qua sự ảo tưởng vô minh riêng của mỗi cá nhân. 

Nhưng khi bám rễ thật sâu vào cõi vô tướng, vào bên trong mình, ta thấy rằng thương yêu rốt cuộc không xuất phát từ sự thỏa mãn mình. Một khi tình yêu có sự thỏa mãn mình, đó đã là luyến ái. Hãy để sự "chia tay" làm bằng chứng. Khi đôi nam nữ "chia tay" nhau, đồng nghĩa với việc sự thõa mãn chấm dứt, họ liền đau khổ. Đau khổ là do không được thõa mãn. Có thể là không được thỏa mãn về mặt tình dục, cảm xúc, suy nghĩ,... hay không được thỏa mãn cái mô típ thương yêu mà họ bị dính mắc. Bạn hãy liên tưởng đến việc, một người con gái sinh ra trong gia đình có bố bạo lực, và bị ám ảnh bởi điều đó, sẽ có khả năng lấy một người chồng bạo lực, vì trong tâm thức cô gái đã bị dính mắc vào mô típ được thương yêu cũ trong tuổi thơ.  Cô ấy nghĩ rằng kiểu đối xử bạo lực ấy là yêu thương, và cô thậm chí "bị nghiện" hay "chấp nhận" hoàn toàn điều đó. 

Mỗi ngày, hãy nhìn thật sâu vào tâm thức bên trong bạn. Bất cứ điều gì gây ra cho bạn sự thỏa mãn, đó đang là bản ngã. Và "chia tay" về mặt tâm lý thực chất chỉ là một sự biểu diễn của tâm trí khi nó đưa bạn vào tình thế như một "nạn nhân" hay sự ủy mị. Tất cả chỉ là tấn tuồng. Hãy quan sát tấn tuồng ấy để có thể đi sâu hơn vào cái không sinh không diệt bên trong mình. 





No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.