đừng tự dằn vặt chính mình

Khi nhìn lại hành trình sống vừa qua của chính mình, hẳn là chúng ta sẽ có lúc cảm thấy hổ thẹn vì đã làm sai điều này điều kia, đã làm khổ ai đó, đã nói dối ai đó, đã không sống thật với bản thân, đã quá ham muốn, đã quá chạy đuổi nhiều thứ một cách mù quáng,... Nhưng sự tu học không phải là để hổ thẹn, cũng không phải là để dằn vặt chính mình, mà là có thể thấy mọi thứ đang diễn ra trong chính mình và bên ngoài mình một cách chân thực, không thêm không bớt. Vì sao như vậy? Hãy nhìn ra cơ chế này trong tâm thức bạn. 

Có một điều phổ biến là khi phát hiện những lỗi lầm của mình, nhiều người cảm thấy hổ thẹn và dằn vặt. Thực ra, đây cũng là một cơ chế dễ hiểu, nhưng hổ thẹn và dằn vặt không phải là cách tốt nhất. Vì bạn cần nhận ra được rằng, thực tế thì sự dằn vặt và hổ thẹn này xuất phát từ tâm sân. Và nó là một kiểu trá hình của bản ngã. Khi dằn vặt mình, có nghĩa là bạn đang cảm thấy không hài lòng với những gì mình đã suy nghĩ và hành động. Bạn cảm thấy hổ thẹn vì bạn đang đánh giá và phê phán bản thân. Nhiều người cho rằng biết hổ thẹn là tốt, nhưng thực tế thì nó không tốt, và cũng không xấu. Cốt lõi là bạn cần biết sự hổ thẹn này đến từ đâu. Bạn có nhận ra  sự hổ thẹn và dằn vặt này cũng phản ánh rằng bạn chưa chấp nhận và đón nhận chính mình? Bạn chưa thực sự bao dung và rộng mở. Như vậy, thì bạn làm sao có thể đi sâu hơn vào chính mình, để thấy rằng có một sự trong sạch vô ngàn luôn ở bên trong bạn, vượt thoát ra khỏi những điều hổ thẹn và dằn vặt - thứ mà bạn chỉ đang huyễn hoặc bản thân mà thôi. Vì thế, bạn không nên để sự hổ thẹn và dằn vặt có cơ hội thao túng để rồi bạn bị đồng hóa vào đó. 

Khi nhìn lại lỗi lầm trong quá khứ của mình, tôi thường nhìn nó với một nụ cười. Con người, ai ai cũng đã từng vô minh, ai ai cũng đã từng mê lầm trong nhận thức. Nhưng đó không phải là họ, họ chỉ bị chi phối bởi cái ta ảo tưởng. Nhưng khi tách mình ra khỏi bản ngã, họ lại thấy được sự diễn tuồng theo nhiều cách khác nhau của nó. Có bản ngã tốt đẹp và bản ngã xấu xa, chúng đang luân phiên biến dịch và lừa bạn theo nhiều kiểu khác nhau. Vì thế, bên trong bạn luôn là một khối mâu thuẫn, và xung đột. Bạn đôi khi không thể hiểu nổi chính mình muốn gì, vì bản ngã là một tập hợp của nhiều mặt khác nhau, và không bao giờ có điểm dừng. Nhưng khi bạn đứng lùi lại và quan sát, bạn lại thấy rằng tất cả sự dằn vặt và xấu hổ đều là do bản ngã cố tình thêu dệt để đưa bạn vào cảm giác của một người biết ăn năn, biết hối lỗi, là nạn nhân, là kẻ mong muốn sự trong sạch. Nhưng làm sao bản ngã có được sự trong sạch, khi mà chính nó đang là vấn đề. 

Vì thế, khi biết lỗi, cái biết đó chính là đang giải phóng bạn. Bạn không cần phải tạo ra thêm một tư tưởng nào khác như sự xấu hổ hay dằn vặt vì điều đó chỉ là đang kéo bạn trở về cái ta ảo tưởng thêm một lần nữa. Bất cứ khi nào có một suy nghĩ gì khởi sinh bên trong bạn, hãy kiên nhẫn lắng nghe mà không phán xét nó. Để bạn có thể nhận ra sự sinh diệt liên tục của nó, còn bạn thì hoàn toàn miễn nhiễm với nó. Điều này, tôi gọi, là có thể đối diện với tất cả muôn mặt bản ngã bằng một thái độ thanh thản. Chính thái độ thanh thản này là sự giải thoát bạn khỏi mọi ngục tù do tư tưởng dệt nên. 



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.