áp đặt

7:27:00 PM
Chúng ta thường phóng chiếu hay áp đặt nhận thức của mình lên người khác, đặc biệt là những đứa trẻ. Thay vì là người kích hoạt nhận thức của người khác, ta lại phóng chiếu cách ta trải nghiệm và chiêm nghiệm lên ai đó, bảo họ rằng như vậy là đúng, thế kia là sai. Ta luôn muốn đưa người khác vào khuôn mẫu mà ta cho rằng như vậy là tốt đẹp cho họ. Nhưng sự tốt đẹp cho mỗi người là khác biệt. Bác sĩ là nghề nghiệp tốt cho bạn, nhưng với người kia, là một kẻ lưu manh lại là ''tốt'' cho anh ta. Hàm nghĩa rằng tốt ở đây là tương đối. Nó đúng với căn cơ và trình độ của mỗi người. Vì ta không hiểu được rằng để giác ngộ, điều đó có nghĩa là mọi cung bậc của đời sống, lý tưởng tuyệt vời đến đau khổ xót xa hay bị rẻ rúng đều là những chất liệu cho việc nhận ra sự thật. Một ông bố tuyệt vời không phải là người đưa con vào một khuôn học tập từ trường A - top của tỉnh đến trường B - top thế giới để phục vụ như một "nhãn mác" đáng tự hào cho gia đình. Mà một ông bố tuyệt vời là có thể thanh thản nhìn con đau khổ và kích hoạt nhận thức cho con để con nhận biết về sự khổ. Một ông bố tuyệt vời là người có thể thấy con vào tù, ăn cơm trắng mỗi ngày, nhưng vẫn bình tĩnh vì ông biết chỉ trong chỗ đó, đứa con ấy mới có thể trải nghiệm những cung bậc đời sống mới, để biết đâu nó chiêm nghiệm được điều gì đó... về sai lầm, về khổ đau, về nhẫn nhục... 

Chúng ta luôn muốn người thân của mình được sung sướng và hạnh phúc. Đó là một ước muốn nom vẻ tốt đẹp. Nhưng bằng cách ấy, chúng ta luôn can thiệp lối đi của nhau, đặc biệt là lối đi của đứa con, của người trong gia đình. Chúng ta sợ khổ, và ta phóng chiếu nỗi sợ ấy lên con cái. Chúng ta không muốn nó khổ. Nhưng bằng cách chọn lựa cho nó con đường sướng, bạn đẩy nó vào con đường khổ nhiều hơn. Vì nó không có sức đề kháng mạnh với mọi cung bậc biến hóa của đời sống. Khi một đứa trẻ chơi điện thoại, ta tước đi chiếc điện thoại trong tay nó. Ta sợ nó nghiện điện thoại. Nhưng bằng cách ấy, ta không thể kích hoạt ý thức của đứa con về nghiện điện thoại, về tác hại của chơi điện thoại, về ưu điểm của chơi điện thoại. Nó tức giận vì bạn tước đi điện thoại của nó. Nỗi tức giận vẫn ẩm ỉ trong con. Bạn luôn can thiệp vào mỗi hành động của con. Vì bạn liên tưởng về hệ quả của hành động, nhưng bằng cách này, bạn không thể để đứa trẻ được trải nghiệm và chiêm nghiệm về hành động của nó. 

Ai đó nói xã hội bây giờ quá ghê gớm nhưng xã hội này là chất liệu lẽ nhiên của việc giác ngộ. Mỗi người đều phê phán về xã hội họ đang sống. Thời Trang tử, Lão Tử... đến thời Ramana Maharshi, Krishnamurti... con người luôn đong đầy bản ngã riêng và xã hội luôn có sẵn những cuộc chiến. Thời nay, các cuộc chiến biến hóa khôn lường nhưng đó là hệ quả tất yếu của quá trình phát triển bản ngã và cũng là đánh dấu chấm hết của bản ngã vì bản ngã sẽ tự diệt chính nó khi nó tận cùng cực đoan. Như vậy, khi trong bạn còn phê phán, còn áp đặt nhận thức lên ai đó, lên ngoại cảnh, nghĩa là bạn chưa thấy ra thực tại đời sống. Thực tại đời sống là chính nó. Ở đó không có vấn đề. Bạn là người tự tạo ra vấn đề cho viễn cảnh này và bạn tự ôm lấy những uất hận hay sự không bằng lòng. 



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.