bản chất sự sống
Đi ngủ vào 8 -9 giờ tối, sáng thức dậy lúc 5g30, tôi có một lối sống hoàn toàn bình thường và không quá mấy chăm chỉ. Là một người viết lách nhưng rất hiếm khi tôi viết vào buổi tối. Thời gian tuyệt vời nhất của tôi là mỗi sáng. Lúc ấy, sự tinh khôi của Đà Lạt được biểu hiện thật rõ nét, trong thứ ánh sáng mờ ảo vì hòa lẫn sương mù, có lúc ngập tràn nắng thủy tinh, có lúc lắng trầm trong những cơn mưa, và có khi se se lạnh trong những đợt gió mùa. Trước đây, tôi cũng thi thoảng thức khuya, phần lớn là để đọc sách, xem phim... Nhưng giờ đây, sự giải trí về mặt phim ảnh lẫn đọc sách của tôi cực kỳ hạn chế. Tôi ít khi đọc sách, cũng rất hiếm khi xem phim. Trong phòng, tôi cũng không sở hữu bất cứ cuốn sách nào. Tôi dành phần lớn thời gian một mình, cũng không hẳn để chiêm nghiệm, hay suy nghĩ, mà chỉ đơn giản là lặng lẽ vậy thôi. Lặng lẽ soi mình, bên một tách trà, ngoài ban công, có khi trong căn phòng đầy hơi thở thiên nhiên, trong một tiệm cà phê nhỏ góc phố, hay có khi ở một góc Hồ Xuân Hương nào đó, nơi tôi đã làm bạn với chiếc xe đạp gần như mỗi ngày, trong khoảng 3 tháng sống tại đây.
Nhiều bạn bè và anh chị rất ngạc nhiên khi nghe tôi đi ngủ lúc 8 giờ tối. Thực ra, có khi tôi sẽ đi ngủ lúc 7 giờ hoặc 7 giờ 30 tối. Không có lý do nào quá đặc biệt, chỉ đơn giản là tôi không có việc gì để làm sau khoảng thời gian đó. Tôi cũng có thể thức khuya hơn, như 10 giờ hay 11 giờ. Dù vậy, tôi biết Đà Lạt về đêm nơi tôi sống rất tĩnh mịch. Nơi mà sự thinh lặng bên trong lẫn bên ngoài hòa vào làm một. Thi thoảng thức giấc lúc 1h sáng hay 2h sáng, tôi cảm nhận màn đêm như bản chất con người, tĩnh lặng và đầy bí ẩn. Tôi chưa bao giờ sợ ban đêm như chưa bao giờ sợ bản chất thực sự của mình. Ai lại đi sợ chính mình kia chứ?
Tôi đang trải nghiệm một cuộc sống thơ mộng, người ngoài nhìn vào cũng có thể thấy điều đó, nhưng sự thơ mộng là điều mà chúng ta thường mong ước, và nhìn thấy ở kẻ khác để ghen tỵ hoặc để ngưỡng mộ. Chúng ta ít khi cảm nhận thật rõ và thật trong sự thơ mông, tinh khôi đó. Ngoài ban công, có một loài hoa tím nở thật đẹp. Tôi cứ ngắm mãi những bông hoa nở rộ, được tưới mát trong ánh nắng và có khi là làn mưa. Một vẻ đẹp khiến người ta phải xúc động, con tim tôi như lỡ vài nhịp. Hơi thở như ngưng lại, một sự vỡ òa từ sâu thẳm. Điều đó thật khó để hiện diện trong ta, khi mà cái đầu của ta hoàn toàn bận rộn. Giờ cuộc sống trong tôi cũng chậm lại. Chậm lại rất nhiều. Tôi để chính sự hiện diện bên trong hòa vào hơi thở trữ tình của thành phố này. Như con ong hút lấy thứ mật ngọt tinh túy nhất của nhụy hoa.
Xét về khía cạnh con người, của một kiếp sống ngẳn ngủi, thi kiếp này, tôi là một kẻ lữ hành đầy cảm hứng sống. Cũng giống như bạn, tôi cũng đã và đang trải qua những giai đoạn lo toan. Nhưng tôi như một kẻ tu hành không kế hoạch, vì bản thân thật kém cỏi những gì liên quan đến lịch trình. Như một chú chim biết rõ mùa này sẽ bay về đâu nhưng đầu không nghĩ suy về sự sắp xếp, tôi cứ bay theo bản năng, theo một tiềm năng sẵn có, một vị thầy bên trong, sâu xa, chỉ bày. Vậy thôi.
Khi một con người đang sống như thế này, tu như thế này, và họ thấy ổn theo kiểu ấy, thì trong họ thường phê phán những kiểu sống còn lại. Nhưng về cơ bản, sau này, tôi nhận ra, các hình thái trải nghiệm khác nhau, nhân duyên và điều kiện hội tụ ở người này khác người kia, nhưng không có nghĩa nó là vượt trội, là hơn hẳn. Chỉ đơn giản là họ có duyên với kiểu tu hành đó, phong cách trải nghiệm đó, và ta chớ vội lấy cái trải nghiệm hay "thành tựu" của mình mà phê phán bất cứ ai. Mà làm gì có ai có thành tựu bao giờ? Không một ai có thành tựu, mà tất cả chỉ là kiểu dãn nhán cho một tình huống cuộc đời mà họ thấy tự mãn hay tự hài lòng mà thôi.
Giống như một kẻ thỏa mãn trong cô đơn thì nói không với hôn nhân, gia đình. Còn những kẻ yêu đương thắm thiết lại thấy cô độc là dị thường. Dù chúng ta đang trải nghiệm hình thái nào, đó là lẽ dĩ nhiên của nguyên lý nhân duyên, nhưng đó chẳng phải là bản chất của chúng ta, chẳng phải là điều nói lên rằng ta sẽ chỉ có thể về nguồn bằng duy nhất lựa chọn đó. Khi đến Nepal, tôi thấy các vị Tulku (hóa thân của một bậc thầy trước đó) cũng có thể cưới vợ, và sinh con. Chúng ta sẽ nhìn nhận điều này ra sao? Rồi tôi chợt ngộ ra một chân lý, một điều rất tuyệt diệu, rằng trí khôn cao nhất là quan sát mà không phán xét. Đừng đưa bất cứ thứ gì, mà ta nhìn, ta nghe, ta cảm, ta ăn, vào một kết luận. Đạo Phật chỉ đơn giản có vậy thôi.
Tu hành là một cuộc trải nghiệm thú vị để nhìn ra bản chất đứng đằng sau các hình thái sự sống, các loại nhân duyên, mà trong đó có thân thể con người. Có một bài học thật quan trọng, là chớ có nóng vội. Khi ta có thái độ công bằng với cả niềm đau và niềm hạnh phúc, rằng thật xứng đáng để có mặt với cả hai, thì ta sẽ không bị rơi vào bất cứ thái cực nào trên dòng đời được cảm thán là nghiệt ngã.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.