không toan tính
Cuộc sống thú vị ở chỗ có những điều bạn tính toán rất kỹ nhưng lại không xảy ra, nhưng có những điều lướt thoáng qua, lại trở thành hiện thực.
Khi vừa lên Đại học khoảng một tháng, tôi bắt đầu công việc đầu tiên là viết công thức món ăn cho một trang báo, mỗi bài lúc ấy chỉ khoảng độ 10 ngàn đông, sau khi làm 2 tháng, tôi bỏ công việc này và có một công việc khác là quản lý nội dung cho một trang của một doanh nghiệp, đồng thời chấp bút hai cuốn sách cho người chủ công ty đó. Kể từ khi lên Đại học đến hiện nay, công việc của tôi chỉ đơn giản là viết lách. Tôi không có tính toán nhiều cho công việc tương lai của mình, mọi sự đều nương theo những lời giới thiệu, đúng vậy, gần như 100% công việc từ giới thiệu của bạn bè. Cũng có một lần nói thẳng ra là tôi bị sa thải vì năng lực chưa phù hợp cho vị trí đó, và có khi tôi tự rời khỏi công ty sau vài tháng làm việc vì môi trường và tư duy của người sếp không phù hợp với mình. Sau tất cả, tôi thấy làm việc vẫn là một điều mình hứng thú vì phần lớn chúng đều linh hoạt, cho phép tôi đi du lịch khắp nơi vào bất cứ khung thời gian nào mà tôi yêu thích.
Nhiều người hỏi tôi làm sao để vừa làm vừa đi như vậy. Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, nhưng tôi nghĩ đó là một điều ngấm sâu trong tiềm thức, vì hồi còn học sinh, tôi đã đọc những cuốn sách về di chuyển và chiêm nghiệm. Sự tự do của các nhân vật ngấm sâu trong vô thức, và khiến tôi lựa chọn mọi thứ dựa trên ước muốn sâu thẳm ấy của mình. Những người sếp đều nhìn thấy điều đó trong tôi, và thế, bất cứ ai mà tôi có thể làm việc lâu dài với họ là vì họ thực sự tôn trọng sở thích này của bản thân. Điều thứ hai, tôi nghĩ là phải thực sự chăm chỉ và chú tâm vào những điều mình làm. Khi di chuyển, tôi cũng nhiều lúc chểnh mảng. Tôi học ra được nhiều bài học từ sự chểnh mảng đó của bản thân. Nên tôi nhận thức một điều, khi chơi ra chơi mà khi làm là ra làm. Giai đoạn này là giai đoạn không làm của tôi, vì thế tôi cũng chú tâm hẳn vào điều đó, mà chả lo nghĩ gì nhiều cả. Nhiều lúc làm mà cũng không toan tính là mình có nhận được tiền hay không. Vì tôi thích viết điều đó, và tôi học được nhiều bài học trong khi nói chuyện với nhân vật. Nhiều người đặt nặng đồng tiền hơn những gì họ có thể học. Trước đây khi còn là sinh viên, và gia đình mình không có điều kiện, tôi cũng biết mình bắt đầu công việc đó vì đồng tiền là một phần, nhưng khi làm, tôi dốc hết sức mình và tận tụy.
Trong vài năm gần đây, tôi học được ở các họa sĩ mà mình phỏng vấn rất nhiều. Họ như con ong, rất chăm chỉ. Dù rất nhiều trong số họ cũng cực kỳ khó khăn về mặt tài chính, vì họ không bán được tranh chẳng hạn. Tôi rất yêu quý họ, và khi nhìn ra được tài năng và thái độ sống, thái độ làm việc của một số người trong đó, tôi rất muốn bằng ngòi bút của mình có thể lan tỏa họ đến với nhiều người hơn. Vì thế, trong làm nghề, tôi học được bài học hào sảng. Nhiều người rất hào sảng với tôi, và tôi cũng được tiếp thu tính hào sảng đó ở họ. Có những anh chị em luôn mang đến cho mình những công việc và trong thâm tâm mình rất biết ơn họ, và thế, trong sự nghiệp, tôi học ra nhiều thứ, trong đó có cả sự quan tâm đùm bọc lẫn nhau.
Tiền là công cụ và đôi khi tôi thấy tiền cũng phù du. Mình kiếm tiền nhưng tôi ít khi giữ khư khư chúng. Có vẻ tôi không tính toán cho tương lai nhiều, vì biết đâu ngày mai hay một thời khắc nào đó trong hôm nay, mình bỗng chết. Vì thế, nếu có thể hào sảng đúng chỗ thì vẫn nên hào sảng ngay lúc này.
Khi viết sách cho người chủ doanh nghiệp kia, tôi học được một điều quan trọng là không chê tiền lẻ. Như người xưa có câu tích tiểu thành đại, hay đường xa ngàn dặm cũng bắt đầu bằng một bước chân, vì thế, tôi nghĩ là một người trẻ, và đang cần học hỏi nhiều, thì cũng không nên chê tiền lẻ, không nên từ chối nhận một công việc được trả số tiền ít. Gác tiền qua một bên, trong nhiều tình huống, lại giúp mình học ra nhiều thứ, trong đó có cả việc thấy tầm quan trọng của lao động và tầm quan trọng của việc tự lập, tự mưu sinh. Sau này nhìn lại, mình cũng thấy nhờ những công việc đó mà mình được rèn tâm trí, rèn tay nghề, rèn nội lực, và cũng giúp mình quen biết với nhiều người, và một trong số đó lại mang đến cho ta những công việc hay điều ý nghĩa khác. Ít tính toán, ít mưu cầu, sẽ giúp mình dễ sống và dễ đón nhận những cơ hội bất ngờ.
Tôi tự nhận có khi mình cũng là một kẻ cứng đầu, và sẵn sàng phản biện lại với sếp về những thứ mà mình cho là không hợp lý và không thông minh. Và đây cũng thường là lý do khiến tôi chọn nghỉ việc ở công ty đó vì họ không mang đến cho tôi sự thuyết phục. Cuộc sống cho chúng ta nhiều lựa chọn, khi đã chọn thì cứ làm trọn vẹn, nhưng nếu thấy không phù hợp, thì ta vẫn nên rời đi. Và khi rời đi, thì tôi không bao giờ hối hận.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.