thử thách cuộc sống
Thực ra, khi chuyển lên Đà Lạt sống, tôi cũng như đang thử thách lòng mình, liệu mình có thực sự cần một đô thị rộng lớn lắm không, hay có thực sự tha thiết những người có cùng sở thích để chia sẻ. Một đô thị xấp xỉ 10 triệu dân chắc chắn là "sân khấu" lý tưởng để mình thể hiện hết tất cả khả năng của mình, để mình gặp gỡ, va chạm, học hỏi, chia sẻ. Thế nhưng, khi về Đà Lạt sống, tôi chưa bao giờ mâu thuẫn với việc phải trở lại thành phố. Và tôi chỉ trở lại Sài Gòn cho những chuyến bay ra nước ngoài, và khi bay về Sài Gòn, tôi cũng liền đặt xe thẳng về Đà Lạt. Một cơ thể mỏng manh, nhưng một sức khỏe dẻo dai, hay là một nội lực mạnh, tôi thấy mình như vậy.
Tôi nói với một người bạn là họa sĩ: "Thực ra, em cũng muốn sống ẩn dật. Một nơi không bóng dáng ai xung quanh. Em luôn thấy mình như vậy, ở một nơi nào đó." Tất nhiên, tôi không hẳn mơ mộng. Đó là những gĩ tôi thấy trong thoáng chốc. Tôi không chán ngán những gì mình đã trải nghiệm ở Sài Gòn, những triển lãm, những sự kiện, tôi vẫn thấy vui, nhưng không thấy mình tha thiết và bị quyến rũ bởi những điều như vậy.
Tôi nghe rất nhiều về sự cô đơn của rất nhiều người. Họ không tìm kiếm thấy sự đồng cảm và sẻ chia, nên họ cô đơn. Và khi gặp tôi, họ nói rất nhiều. Tôi chỉ cần là một người có khả năng nghe, thì họ có thể nói thâu đêm suốt sáng. Thi thoảng, tôi cũng gặp một số người mà mình có thể nói với họ rất nhiều. Nhưng sự cô đơn trong tôi không khó chịu. Tôi nghĩ đó là một trạng thái mà tôi đã sẵn sàng đón nhận. Nhiều khi, chỉ cần mình không mong cầu ai đó phải hiểu được mình, phải lắng nghe được mình, và mình cũng không mong cầu phải phô trương con người mình ra cho ai đó thấy, thì tự dưng sự cô đơn trong mình sẽ không khó chịu. Mà trái ngược, sự cô đơn đó rất bao dung vì nó rộng lớn.
Làm người là một bài toán khó, tất nhiên, trải qua những thăng trầm thì bạn sẽ thấy vậy. Nhưng khi mình đón nhận bài toán khó, thì có khi mình lại không thấy nó khó nữa. Tôi có ghé xem tranh của một người bạn nọ, bạn bảo: "Anh cô đơn trong tư tưởng sáng tác. Tìm một ai đó có thể thấu hiểu sáng tác của mình thật sự khó khăn." Tôi cũng hiểu ý anh. Vì tôi cũng là một người sáng tác, cứ cho là vậy đi. Vì tôi viết. Trước đây, tôi thi thoảng cũng có ý nghĩ đó, nếu có ai đó hiểu được những gì mình viết, thì thật tuyệt, thật sung sướng. Như đứa bé ngất ngây vì nhận món quà mà em khao khát bấy lâu nay vậy. Nhưng giờ tôi cũng khác. Tôi viết chỉ viết vậy. Cái gì xuất khởi từ bên trong thì nó ra chữ bên ngoài. Còn về phần đọc và hiểu được, là duyên, cái đó mình không thể kiểm soát, và cũng không mong cầu. Tự dưng, đến đoạn đó, tôi chả bao giờ phải lo toan cho những gì mình xuất bản.
Cuộc sống, nếu cứ thể hiện ra cho bên ngoài thấy được mình, thì sẽ ta sẽ nhanh chóng mệt mỏi. Vì đó là một mong cầu lớn lao, và tham lam. Hồi còn trẻ, tôi cũng mơ ước đủ thứ. Và mình tất nhiên cũng bị dính mắc và quan niệm mơ ước không tính phí. Và tất nhiên, mơ ước cũng chả xấu, thậm chí nó cũng giúp con người đi vào tiềm năng lớn của họ. Nhưng rồi cái đầu cứ miên man trong khát vọng hoài thì cũng mệt. Lúc ấy, tôi chỉ đơn giản là trọn vẹn với những gì mình làm. Mơ ước lúc này gói gọn vào những điều rất nhỏ bé. Là cái mình đang làm trước mắt. Sao cho trọn vẹn nhất. Một cái nhỏ trọn vẹn, lúc nào cũng thật trọn vẹn, thì nhìn lại, bạn sẽ thấy một quãng đường trọn vẹn. Vậy thôi.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.