gia đình
Về với gia đình ngày Tết, thật sum vầy và ấm áp, nhưng lắm lúc có những câu chuyện về nhận thức sống giữa thế hệ trước và thế hệ trẻ ngày nay lại để trong ta thật nhiều suy ngẫm. Cha mẹ luôn muốn con cái mình hạnh phúc nhưng mong muốn ấy của họ lại không phải là thứ hạnh phúc mà con cái thực sự khát khao. Vậy làm sao để chúng ta có thể rút ngắn khoảng cách giữa hai thế hệ?
Khi con còn nhỏ, cha mẹ giống như một tấm gương, định hướng cho con những lối đi nước bước trước khi con rời khỏi vòng tay gia đình. Khi con lên lớp một, nhận thức đã bắt đầu bung nở. Ta vẫn thấy hoàn cảnh những đứa con cự cãi cha mẹ, vì muốn cái này mà không phải cái kia. Dần dà, giữa cha mẹ và con cái luôn đối mặt với những mong muốn và tư duy khác nhau. Nếu cả đôi bên cùng cố chấp, thì ai cũng cho rằng mình đúng và mất hòa khí gia đình. Với cha mẹ, hạnh phúc tức là yên bề gia thế, là lấy được người vợ/chồng xứng đôi, là tậu nhà, mua xe và sinh con để ông bà có cháu bồng cháu bế. Nhưng với con, hạnh phúc dường như không phải lúc nào cũng như vậy, mà đó là được chu du muôn nơi, là độc thân để sống tự do thư thái và không đặt nặng quá về tài chính hay tiền tiết kiệm. Khi cha mẹ và con cùng trò chuyện về đề tài này, nếu cả hai đều khăng khăng cho rằng lý lẽ của mình đúng, thì mối quan hệ giữa đôi bên lại thêm căng thẳng. Con cái thì cho rằng cha mẹ mình lạc hậu; cha mẹ thì cho rằng tụi trẻ bây giờ quá vô tư mà không có trách nhiệm gia đình và lo nghĩ cho tương lai. Vốn dĩ cũng chẳng ai đúng, ai sai, mà mỗi người đang quá đặt nặng tư duy riêng tư của bản thân mình để rồi không thể đón nhận quan điểm của đối phương.
Hãy chấp nhận rằng mỗi người đều có một nhận thức sống khác biệt
Câu chuyện bất hòa trong gia đình vốn là đề tài muôn thuở. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay khi mà phương Đông du nhập tư tưởng tự do quan điểm của phương Tây thì người trẻ lại thường có những xích mích về tư duy sống với cha mẹ, thuộc thế hệ 6x hay 7x. Thế hệ Z thường chú trọng sự tự do trải nghiệm, còn cha mẹ lại đặt nặng quan niệm gia đình và ổn định tương lai. Nếu cả đôi bên có xu hướng áp đặt nhận thức của mình lên nửa kia thì sẽ dễ xảy ra cãi cọ. Ai cũng muốn người kia phải thay đổi quan điểm chứ không phải là mình. Sự cố chấp này hẳn nhiên sẽ không thể tạo dựng một mối quan hệ cha mẹ - con cái thuận hòa và bền vững.
Nhưng để người khác thấu hiểu cho ta, trước hết - là một người trẻ - chúng ta cần thấu hiểu rằng mình không chỉ khác quan điểm với cha mẹ, mà thậm chí còn rất nhiều người xung quanh mình nữa. Rằng bất cứ người nào - bất chấp tuổi tác - cũng có thể khác biệt với ta về mặt tư duy. Càng đi nhiều, chúng ta càng thấy gặp người đồng điệu với mình thì ít, mà khác mình thì nhiều. Và đó vốn dĩ là bản chất cuộc sống. Vì thế, việc để cho việc khác quan điểm với cha mẹ mà đánh mất hòa khí trong gia đình chẳng phải là thái độ khôn ngoan. Khi con cái đón nhận tư duy của cha mẹ, họ sẽ đơn giản là chân thành và khiêm tốn lắng nghe cha mẹ nói và chỉ bày, mà không một sự phán xét hay định kiến.
Tôi còn nhớ như in, vào một ngày hè năm 2019, khi trở về nhà để thăm mẹ ốm bệnh sau 2 dịp Tết đi du lịch, mẹ nhìn tôi cười và hỏi: "Con không nhớ mẹ hay sao?" Tôi vô tư cười đáp: "Con không!" Mẹ cũng mỉm cười mà lòng thì như đôi chút trách móc: "Sau này làm mẹ, con sẽ hiểu!" Lúc đó, tôi quá vô tư. Và đến bây giờ, tôi vẫn vô tư nhưng tôi đã nhiều lần thấu hiểu. Tôi tự đặt mình vào tình huống của cha mẹ, để thấu hơn cho những lo toan của họ. Tôi không nhất thiết phải làm theo lời họ rằng "phải lo chuyện gia đình, lo chuyện yêu đương" nhưng mỗi lần họ nhắc đến chuyện đó, tôi vẫn cười và lắng nghe một cách chân tình.
Chúng ta thường rất khó chấp nhận ai đó khác mình, đặc biệt là những người rất thân với ta. Và bằng cái tôi to lớn, chúng ta cố cãi để giành phần đúng về mình. Nhưng trở về gia đình ngày Tết, tôi học cách lặng lẽ đón lấy những quan điểm đa dạng từ cha mẹ, anh chị em, và họ hàng. Đó không hẳn là sự chấp nhận một cách miễn cưỡng, qua loa, mà hiểu rằng mỗi người đều đang sống đúng với nhận thức của họ. Ai ai cũng có định nghĩa hạnh phúc riêng cho mình, và đôi khi, họ thấy cần nói ra, cần "chỉ bày" cho người khác. Ta hãy cứ hiểu, khi một người nói, cần một người biết lắng nghe. Cứ thế, ít ra, ta cũng sẽ mang đến cho họ cảm giác được tôn trọng, trong khi, ta vẫn có thể sống thật với mong muốn riêng tư bên trong mình.
Sống đúng nghĩa là câu trả lời tốt nhất cho cha mẹ
Lời nói ra, trong nhiều trường hợp, không chứng minh được điều gì, mà cách ta sống sẽ mang đến cho đối phương câu trả lời đi vào tấm lòng nhất.
Cách ta giúp đỡ cha mẹ dọn nhà ngày Tết, đi thăm họ hàng, lặng lẽ lắng nghe những chia sẻ của họ, sẽ giúp họ thấy ra ta thực sự trưởng thành. Đôi khi, ta không cần phải nói hay thể hiện quá nhiều, mà thái độ đón nhận tất cả mọi người, một cách chân thành, sẽ khiến họ cũng như đón lấy ta, một cách tự nhiên.
Có người bạn nọ thường bị cha mẹ mắng là thiếu lo nghĩ cho tương lai. Ấy vậy mà khi cha mẹ lâm bệnh, bạn trở về, lặng lẽ chu toàn về mặt tinh thần lẫn tài chính. Vì suốt quá trình cha mẹ hiểu lầm bạn, thì bạn cứ im lặng làm việc và cố gắng trau dồi kỹ năng sống. Khi cha mẹ thấy sự chia sẻ ấy của bạn, họ không còn ôm giữ hiềm khích gì với bạn về mặt tư duy hay quan điểm sống nữa. Cha mẹ để cho bạn được sống với những gì bạn muốn. Đúng như câu nói "Actions speak louder than words" (hành động ý nghĩa hơn lời nói), nếu ta kiên nhẫn mà tập trung trọn vẹn vào những ước ao của bản thân, nhẫn nại với mong muốn của cha mẹ, thì cha mẹ sớm muộn gì cũng sẽ hiểu cho ta và tin vào khát khao ấy của ta.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.