không còn sợ hãi

Phần lớn con người dễ lạc vào một thói quen nào đó, và trong thói quen, họ xem đó giống như một điều thiết yếu cho cuộc sống. Chẳng hạn, có một công việc đem đến một số thu nhập tốt cho bạn. Bạn cảm thấy mình không thể thiếu công việc đó. Cơ chế suy nghĩ ngấm ngầm bên trong bạn cố gắng làm sao để chu toàn nhất có thể, và không thể bỏ công việc này được. Về mặt tương đối, có vẻ như bạn đang rất trọn vẹn với công việc đó. Nhưng tiềm ẩn bên trong bạn vẫn là một sự phụ thuộc tâm lý nhất định cho những gì mà mình đang làm, rằng: tôi tuyệt đối không thể mất công việc này. Một nỗi sợ mất công việc khiến bạn không thể dứt nó ra để nghỉ ngơi, du lịch hay dành những khoảng không làm việc cho chính mình. Đầu óc bạn lúc nào cũng chỉ nghĩ đến làm việc. 

Rất nhiều người trong chúng ta thường mắc kẹt vào công việc. Vì công việc thường liên quan trực tiếp đến một nỗi sợ bị thiếu thốn bên trong mỗi người. Và thứ hai nữa, công việc khiến họ cảm thấy đời sống có ý nghĩa hay đơn giản là không rơi vào tình trạng "ăn không ngồi rồi", lười biếng. Xã hội gieo vào đầu chúng ta một định kiến tiêu cực rất lớn về sự biếng nhác, và ca ngợi lớn về sự tiến bộ, về sự chăm chỉ, về chí lớn, về đóng góp có ích cho gia đình và xã hội. Vì mắc kẹt vào tính cá nhân trong tương quan với xã hội này mà mỗi người cảm thấy thật đau khổ. 

Khi nói về việc không sở hữu tài sản, một số người trong đó thấy phẫn nộ vì họ bám vào những từ ngữ mà tôi viết. Điều người viết ám chỉ ở đây chính là trạng thái bên trong, chứ không phải về mặt hình tướng. Sự nhận biết không cấm bạn làm việc, không cấm bạn mua nhà, tậu xe, hay bất cứ điều gì. Nhưng điều quan trọng là bạn thấy được về mặt sâu xa, nếu vẫn chưa ở trong trạng thái đủ đầy, nếu chưa thoát ly ra khỏi nỗi sợ hãi về mặt tâm lý, thì bạn luôn có một vạn lý do để cho rằng mình phải có tài sản để lo cho mình, cho cha mẹ và con cái. Tâm trí luôn có lý do để tiếp tục những cơ chế lo toan ngấm ngầm - vốn là động cơ điều khiển mỗi người rơi vào đau khổ và mâu thuẫn. Nhưng sự im ắng bên trong không tồn tại giằng co nữa. Đó là khoảng không gian vượt lên thân thể, vì thế nó không còn những lo toan để chiều ham muốn cho cái thân này. 

Khi không còn nỗi sợ hãi, bạn sẽ thấy đạo không thể để cho mọi người thiếu thốn. Nhưng bạn cứ sợ hãi nên bạn không thể nào trực nhận được sự kỳ diệu đó của tạo hóa. 





No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.