sự cân bằng
Khi nhận biết hay có mặt với những gì đang diễn ra, không phải là giúp "ta điều chỉnh sai lầm thành đúng đắn" mà mọi thứ bị "ta" kiểm soát sẽ trở về trật tự của nó. Ví dụ, vì quá tập trung vào làm việc nên cơ thể bị "ta" kiểm soát lên khiến nó trở nên căng thẳng. Nhưng khi hiện diện trở lại với cơ thể, sự nhận biết rõ thấy cơ thể đang bị căng thẳng và từ đó cơ thể tự trở về sự thả lỏng. Như vậy, mọi thứ chỉ trở về trật tự hay sự cân bằng khi "thấy mọi thứ như nó là". Khi thấy mọi thứ như nó là, đơn giản là không có "ta" kiểm soát lên mọi thứ. Mọi thứ chỉ bị mất cân bằng khi "ta" đè nén lên những gì đang diễn ra mà thôi. Đè nén ở đây là sự dính mắc.
Mọi thứ đều diễn ra theo quy luật. Và tất cả các quy luật mà ta từng biết như luật hấp dẫn, luật nhân quả, luật cho-nhận... thực chất chung quy lại đều là luật cân bằng. Ta gọi đó là sự bảo toàn năng lượng. Năng lượng chuyển hóa, biến thiên liên tục nhưng đằng sau chúng là trí tuệ. Nếu không có trí tuệ đó, không thể có sự chuyển biến của mọi thứ. Không thể tồn tại sự sống. Tuy nhiên, trí tuệ này không chi phối lên bất cứ điều gì. Cũng không kiểm soát lên bất cứ điều gì. Mà đơn giản là không gian tĩnh lặng nơi mọi thứ diễn ra hay tương tác với nhau có nguyên nhân. Ngay cả những gì đang diễn ra như chiến tranh cũng đang xảy đến một cách cân bằng. Dù về mặt suy nghĩ, nó là điều không nên xảy ra. Nhưng chúng ta thấy, nó xảy ra vì có lý do cho điều đó xảy ra chứ không phải là sự ngẫu nhiên. Chiến tranh là thực tại. Con người đau khổ vì không thể chấp nhận được thực tại. Suy nghĩ mà bạn dính mắc chưa bao giờ chấp nhận thực tại, nó luôn tránh khỏi thực tại. Nhưng khi có sự chấp nhận xảy ra, mọi hành động tạo ra thay đổi đều đến từ một không gian sâu lắng hơn, nơi không còn tạo ra bất cứ xung đột mới nào. Nhưng nếu chúng ta đấu tranh cho hòa bình, mà đấu tranh đó là sự xung đột và định kiến bên trong, thì vẫn tiếp tục là tạo ra xung đột mà thôi.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.