ăn uống

Trong thế giới hình tướng này, mọi thứ không tự dưng sinh ra, mà đều có căn nguyên. Những thứ được sinh thì sẽ diệt, và ta gọi ấy là chúng sinh. Sự khác biệt tương đối giữa các chúng sinh là nhận thức. Nhận thức có tính toàn thể. Mọi chúng sinh đều được sinh ra từ cái toàn thể này, nhưng tùy vào "căn cơ" mà nhận thức bị che lấp nhiều hay ít. Mọi chúng sinh đều là sự sống, dù đó là một viên đá hay một con bò, con dê, hay con người.

Khi là chúng sinh, tất cả đều phải nương tựa và sinh tồn dựa vào nguồn thức ăn của chúng sinh khác. Cá lớn ăn cá bé, mèo ăn chuột, trâu bò ăn cỏ, hổ báo ăn nai dê, giun ăn đất, chim ăn sâu, sâu ăn lá... Bạn sẽ thấy đó là lập trình của thế giới hình tướng này, khi sự sống ăn sự sống nhằm mục đích sinh tồn và mục đích cân bằng thế giới hình tướng. Không một con vật nào kể cả con người có thể sống mãi mãi, mỗi chúng sinh đều chết, đều có vòng đời riêng. Và trong quá trình sinh diệt của chúng sinh đó, nó là nguồn thức ăn hoặc đi ăn các loại chúng sinh khác.

Chúng ta nói rằng ăn chay là không sát sinh? Không phải. Sát sinh là một sự thật diễn ra trên tất cả mọi chúng sinh, kể cả con người. Nhưng sự sát sinh của con người không đơn giản như những chúng sinh khác. Mèo ăn chuột nhưng không vì bất cứ một sự vị kỷ, toan tính nào. Nó ăn nhằm cho mục đích sinh tồn. Nó ăn từ sự tĩnh lặng. Nó không nảy sinh ý hãm hại. Vì thế, khi mèo ăn chuột, chúng ta không nói con mèo ác độc. Khi là chúng sinh, chúng sinh đều sát sinh. Nhưng sự sát sinh của nhiều chúng sinh đều từ sự tĩnh lặng. Đều không nảy sinh ý hãm hại. Khi xem một số phim tài liệu về tự nhiên, tôi nhiều lần thấy những con cá khổng lồ nuốt chửng hàng ngàn con cá bé vào bụng nó, một con hổ vừa ăn no xong đi lại một cách thoải mái nhưng không hề có ý hãm hại con nai kế bên. Nó ăn đơn thuần cho mục đích sinh tồn. Nó ăn từ sự tĩnh lặng. Nhưng sự sát sinh của phần lớn con người thì rất khác. Họ đều dính mắc vào ý hãm hại, vào một ý niệm điên rồ và quái đản nào đó...

Chúng ta thấy, tâm trí nhiều người bị dính mắc vào nỗi sợ hãi điên cuồng, và đến nỗi họ đều tự huyễn hoặc bất cứ điều gì cũng có thể đe dọa chính họ. Con người sát sinh con người hay nhiều loại khác, nhưng không vì mục đích sinh tồn đơn thuần như mèo ăn chuột, mà vì nỗi sợ hãi, vì sự tham lam, vì những ý niệm điên rồ che lấp đi sự tĩnh lặng và tình yêu nguyên thủy bên trong họ. Hàng ngàn năm nay, bạn đều thấy con người sát sinh con người. Họ huyễn hoặc mình trong vai trò nào đó, và thấy những tập thể khác ở những vai khác nên từ đó tạo ra sự phân biệt, xung đột. Con người xung đột vì con người dính chấp vào tư tưởng khác nhau. Bạn có thấy khi nhìn vào bên trong tâm trí, nó rất xung đột? Chiến tranh giữa loài người đến từ việc chúng sinh bị dính mắc vào những suy nghĩ. Khi đã dính mắc vào suy nghĩ, thì chính những suy nghĩ này sẽ dệt nên một chuỗi lập luận để bảo vệ nó và vì muốn khiến nó lớn mạnh, nên họ nảy sinh sự hủy hoại với những người lẫn tập thể mà họ cho rằng khác họ và có nguy cơ phá hủy họ. 

Để trở về với sự toàn thể, chúng ta cần nhìn ra những sự thật đang diễn tiến trong đời sống. Sự sâu sắc là nhìn vào nguyên nhân, mà để nhìn ra nguyên nhân thì đòi hỏi tâm trí phải thực sự tĩnh lặng, thì mọi trật tự cùng diễn tiến của nó mới bộc lộ trong cái thấy trong sáng đó. Vào thời Đức Phật, ngài không chủ trương mọi người phải ăn chay dù ăn chay là điều diễn ra ở Ấn Độ cách đó từ rất lâu. Bởi ngài biết rằng điều cần nhất ở thiền sinh đó là cảm nhận được sự tĩnh lặng nguyên thủy bên trong mình, nơi trí tuệ phát sinh, và từ đó khiến họ tự hiểu vì sao ăn chay chỉ là tương đối. Ăn mặn không khiến bạn khổ mà những ý nghĩ dính mắc về ăn mặn mới khiến bạn khổ. Ăn chay cũng không khiến bạn giác ngộ hay bình an được, mà là thái độ trong sáng trước mọi tình huống. Bạn không thể bắt ép mọi người phải ăn chay, dù bạn có thuyết ra rất nhiều những thông tin khoa học mà bạn đọc được rằng ăn chay là tốt thì điều đó vẫn chưa phải là trí tuệ. Ban chỉ lấy từ các kiến thức bên ngoài, và từ đó dính chấp vào kiến thức để nói mà thôi. Kiến thức sẽ khiến bạn trở nên phân biệt đối xử và trở nên độc đoán. 

Khi leo lên đến độ cao 4000 mét tại Langtang Valley, Nepal, đó là một vùng thiên nhiên tuyệt đẹp. Nhưng khí hậu quá lạnh, mọi thực phẩm từ thực vật vô cùng hạn chế, để chỉ còn lại là khoai tây. Họ có thể bảo quản khoai tây hàng tháng. Bữa ăn nào cũng là khoai tây, ngũ cốc, thịt gà, bơ... Họ chăn nuôi gia súc như bò và lấy gia súc làm nguồn thức ăn. Chúng ta nói rằng họ độc ác vì ăn thịt ư? Bạn bắt họ phải ăn chay hay sao? Chuyện ăn uống thật khó để đưa vào một ý niệm nhất định, phải thế không? Thế giới hình tướng này được lập trình để chúng ta thấy rằng tất cả mọi chúng sinh đều từ tĩnh lặng sinh khởi. Khi chúng ta sinh tồn từ sự tĩnh lặng của tâm trí, chúng ta vượt lên cái gọi là nhân quả. Bài học của con người nằm ở chỗ đó, là nhận ra bản chất của mình là tĩnh lặng, và sinh tồn cùng với sự tĩnh lặng nguyên thủy ấy. 

Hãy để sự tĩnh lặng bên trong bạn quyết định thay cho bạn trong việc ăn uống, thay vì những thông tin khoa học mà bạn bám vào, vì niềm tin vào một dạng ăn uống chỉ trói buộc bạn và khiến bạn suốt ngày phải bảo vệ quan điểm đó và đòi hỏi người khác cũng nên ăn uống như vậy. Hãy cẩn trọng với những suy nghĩ suốt ngày hướng bạn vào một dạng suy luận nào đó. Tỉnh thức không phải là sự suy luận, mặc dù nó nom rất logic và thông minh. Trí tuệ phát sinh khi tâm hoàn toàn tĩnh lặng, và những phát hiện đó không đeo đuổi bạn và cũng không khiến bạn phải bảo vệ nó. 

Điều thiết yếu với những người dính mắc vào nhiều thông tin, mà trong đó có cả những thông tin khoa học hay những cuốn sách mà họ đọc đều được cho là khoa học, chính là sự tĩnh lặng. Hãy để những kiến thức này tan biến vào khoảng không gian, thì tâm trí bạn mới có thêm nhiều những khoảng thông thoáng. Khoảng thông thoáng là sự thiết yếu cho sự sống. Con người là sự sống. Mà điều thiết yếu cho sự sống là khoảng không gian. Một cái cây lớn lên được vì có không gian. Một con cá bơi được trong nước nhờ nơi đó có không gian. Một ngôi nhà ở được vì không gian bên trong. Nhưng chúng ta đang khiến sự sống của mình và người khác ngột thở vì những dính mắc dày đặc khiến không gian trở nên chật chội. Một không gian càng thông thoáng thì mới có thể dung chứa hay bao dung. 

Ăn uống chỉ là sự kích hoạt, nó mang tính tương đối. Còn bạn, bạn chiêm nghiệm như thế nào về điều này?



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.