nhận thức tùy thuộc vào...
Nhận thức của một người tùy thuộc vào điều gì?
Có hai vũng nước như nhau. Vũng 1 và vũng 2
Ở vũng 1, có một người bước qua nó với cường độ nhẹ và biên độ ngắn. Bùn và cặn được khơi lên nhẹ và chỉ thoáng chốc là tự lắng xuống khi không còn tác động gì.
Ở vũng 2, có một người bước qua nó với cường độ nặng và biên độ dài hơn. Khi không còn tác động gì thì quá trình tự lắng của bùn cặn vẫn lâu hơn nhiều so với vũng 1.
Tại sao căn cơ của mỗi người mỗi khác? Hãy chiêm nghiệm ví dụ trên và tự ngộ ra trong chính hoàn cảnh của mình. Nhiều người nghĩ nhận thức tùy thuộc vào tuổi tác, vào sự từng trải, vào kinh nghiệm... nhưng hoàn toàn không phải như vậy.
Nhận thức của con người tùy thuộc vào sự dính chấp với cường độ và biên độ nhiều hay ít, và độ tĩnh-tỉnh ổn định hay không ổn định, thường xuyên hay không thường xuyên. Sự dính chấp vốn là sự ảo tưởng, nó che mờ đi sự tĩnh-tỉnh. Tĩnh-tỉnh nghĩa là tâm tĩnh lặng và thấy biết như nó là. Nếu sự dính mắc với cường độ lẫn biên độ quá sâu mạnh thì trở về tĩnh thường khó khăn, đó là lý do vì sao nó đòi hỏi quá nhiều sự kiên nhẫn.
Khi nhìn vào bên trong bạn, khối dính mắc hay khối đau khổ ấy rất lì lợm, nó như quả bom nổ chậm. Nó cứ luôn bị thúc dục phải nổ (tức tạo hệ quả). Vì thế khi nhìn vào bên trong mình, bạn sẽ thấy được sự khó chịu, sự thôi thúc "tôi phải làm cái gì đó", sự bứt rứt, đứng ngồi không yên. Khối dính mắc là động, vì thế nó luôn muốn bạn phải động.
Khi nhìn vào mình, nếu nhiều suy nghĩ không đâu cứ nảy sinh, nghĩa rằng dao động từ sự dính mắc trồi lên. Nhưng nhiều người lại tiếp tục phản ứng với sự dao động này, vậy thì cường độ lẫn biên độ dao động lại bị đẩy lên thêm. Trở về định tĩnh càng khó khăn.
Nói đến đây, bạn sẽ thấy việc không tác động gì thêm quả nhiên là một bài toán khó, phải vậy không? Tỉnh thức không hề khó, nhưng vì thói quen tạo ra dao động bên trong chúng ta rất mạnh và khiến điều đó trở nên một thứ hàng thiết yếu bên trong tư duy bị lập trình hóa của chúng ta.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.