về biển lớn
Có một câu hỏi mà nhiều người đặt ra là, khi nào thì những dính mắc này kết thúc, khi nào thì tỉnh thức.
Khi một người đi qua một vũng nước, bùn, cặn từ vũng nước được khơi lên. Nếu không còn tác động gì, thì bùn và cặn này tự lắng xuống dưới. Nó sẽ lắng "nhanh nhất" khi không còn một tác động nào thêm. Vì mọi tác động đều gây ra dao động.
Điều này cũng tương ứng với câu chuyện Khúc gỗ trôi sông, được cho là pháp thoại của Đức Phật, khi khúc gỗ không tấp vào bờ bên này, không tấp vào bờ bên kia, không mắc cạn, không đắm chìm, không bị con người hay phi nhân nhặt lấy, không bị mắc xoáy nước, không bị mục bên trong, thì nó sẽ nghiêng ra biển lớn. Đại ý nghiêng ra biển lớn là hòa vào không gian vô tướng, không còn tái sinh, hay Đạo Phật gọi là niết bàn.
Như vậy, câu hỏi "khi nào giác ngộ" hay "khi nào những dính mắc này kết thúc" là một sự ảo tưởng, khi chính sự dính mắc lại khởi ý muốn kết thúc sự dính mắc. Điều này lại càng thêm dính mắc. Vì mọi khởi ý muốn dập tắt điều gì đó đang diễn ra là đang tạo ra những tác động mới. Tâm trí sẽ bấn loạn hơn, như vũng nước càng tác động, càng đục hơn.
Như thế nào gọi là thêm tác động mới:
- Khúc gỗ không tấp vào bờ bên này và bờ bên kia: Hàm ý không mắc kẹt trong một hướng quan điểm hay phê phán nào đó. Không chấp vào cái này như vậy là đúng, cái kia là sai, không chấp vào sự ủng hộ vì như vậy thì cũng gây ra sự phản đối. Vì mọi chấp vào đều đang cố phân chia, phân tách góc nhìn về đời sống, trong khi đời sống thì không biên giới. Nói điều đó không có nghĩa là không biết cái gì là đúng, cái gì là sai, biết đúng-sai nhưng không mắc kẹt trong ý niệm đó. Vì vậy mà tâm thế luôn bình ổn và sáng suốt trước mọi biến chuyển nơi thế gian. Mọi sự được cho là sai vì cũng có nguyên do, và mọi sự được cho là đúng thì cũng có căn nguyên, tỉnh thức là nhìn ra được căn nguyên cho hệ quả đúng-sai này, vì thế mà tự do khỏi nguyên do lẫn hệ quả đó. Nhưng phần lớn, chúng ta đều chấp vào hệ quả mà không mở rộng tầm nhìn thấy rõ căn nguyên. Vì không thấy rõ căn nguyên nên chẳng thể bao dung và rộng lòng.
- Khúc gỗ không mắc cạn: Quá tự mãn với vị thế, với hình ảnh cá nhân do bản ngã tạo dựng mà không thuận theo tự nhiên. Sự tự mãn cũng giống như khúc gỗ mắc cạn, tự tách mình ra khỏi dòng chảy sự sống. Mọi phơi lộ hình tướng đều dễ dàng vỡ nát.
- Không chìm giữa dòng: Dòng chảy cuộc sống là thú vị, là hấp dẫn. Mọi sắc, thanh, hương, vị... kích hoạt sự chìm đắm vào đó. Chìm đắm nghĩa là bấu víu và gặm nhấm thứ mà suy nghĩ bên trong bạn cho rằng mình không thể thiếu nó. Sự đắm chìm này khiến chúng ta bị mụ mị, đê mê, cố níu giữ một thứ dù thứ đó vốn cũng chảy theo dòng. Sự níu giữ này như vậy rõ ràng là đang ôm ấp những mộng mị, ảo ảnh về thứ đó, từ đó tự rơi vào giấc mộng giữa đời thực. Đắm chìm giống như một cơn ngủ đông. Mọi thứ đều đang trôi, và mình thì hoàn toàn chìm đắm trong mộng.
- Không bị mắc vào xoáy nước: Xoáy nước như cạm bẫy, vốn là một sự thật của đời sống. Nếu dễ tin nghe, ta dễ bị lạc vào xoáy nước và chao đảo theo cạm bẫy đó.
- Không bị loài người hay phi nhân nhặt lấy: Nghĩa là không chấp vào ý muốn trở thành ai đó, vị thế nào đó, hình ảnh nào đó, lý tưởng nào đó... Suy nghĩ đều muốn trở thành cái gì đó, vì thế mà chúng ta thường bị chệch ra khỏi dòng chảy vì cố để vươn đến cái gì đó khác. Nhưng cái mà chúng ta mong muốn vươn đến thực chất chỉ là một ý tưởng, nó không thật.
- Không bị mục nát bên trong: Một tâm hồn hoàn toàn mục nát, bị lấp đầy bởi những dục vọng, thèm khát...
Như vậy, chúng ta không thể hỏi "khi nào tỉnh thức" mà là nhìn ra xem mình đang chấp vào điều gì, đang mắc kẹt trong những ý niệm, hình ảnh... nào, đang ôm ấp mong muốn nào và những điều này đang điều khiển, nhấn chìm, kiểm soát chúng ta ra làm sao. Những cơ chế ngấm ngầm thường điều khiển chúng ta một cách vô thức khi không có sự hiện diện và quan sát trong đó. Nhưng nếu hiện diện một cách trọn vẹn với thân-tâm-cảnh, những cơ chế ngấm ngầm này (khúc gỗ) sẽ trôi đi và tự hòa vào tĩnh lặng (biển lớn).
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.