lòng kiên định

Nếu "khao khát" bên trong bạn là sự thức tỉnh, việc tâm trí hướng ra cho những mục tiêu khác sẽ cần bị loại bỏ. Sự tiến bộ ở bên trong đòi hỏi sự gạt bỏ những ước muốn tầm thường mà bấy lâu nay cơ chế ngấm ngầm (dính mắc) thôi thúc bạn phải làm. 

Nếu tâm trí bạn vẫn bướng bỉnh trong việc "tôi phải thành công trong công việc" hay "tôi phải trải nghiệm yêu đương" hay "tôi phải kiếm thật nhiều tiền", sự thức tỉnh bị trì hoãn đồng nghĩa khối dính mắc lớn dần thêm. Trong đời sống hàng ngày, bạn có thể đọc một số tri thức về Phật pháp nhưng bản ngã sẽ xem những kiến thức này như một cách xoa dịu rằng, thực ra mình vẫn đang hiểu biết hơn mỗi ngày. Nhưng sự hiểu biết phải đến từ một nơi sâu lắng hơn bên trong, khi mà những toan tính hay suy nghĩ về mục tiêu bên ngoài dần bị nguôi ngoai và tan vào tĩnh lặng. Như vậy, sự thức tỉnh đòi hỏi sự trải nghiệm không gian sâu lắng bên trong. Chính không gian sâu lắng đó đang nhận thức chính nó. 

Nếu thiền sinh không tận dụng toàn bộ mọi thì giờ để lặn sâu vào tĩnh lặng thì những khối dính mắc ngấm ngầm vẫn tuôn ra và đưa tâm trí đi vào sự giới hạn. Điều đó không có nghĩa là bạn phải từ bỏ các công việc, những trách nhiệm đời thường mà là hướng sự chú tâm vào không gian sâu lắng bên trong trong lúc thực hiện các nhiệm vụ, và nhận ra rằng không có "người thực hiện" ở đó. Chỉ còn lại sự tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng là không gian nơi mà các hoạt động diễn ra, cũng giống như nó là cái màn hình nơi mà thế giới hình tướng trong đó biến đổi liên tục. Khi các hình tướng biến mất, vẫn còn lại là cái màn hình. 

Điều này có thể gói gọn rằng: Cái đích cuối cùng nằm ở bên trong, nếu tâm càng hướng ra ngoài thì sự trở về càng trở nên xa xăm đầy mỏi mệt. Biết cái đích, kiên định với cái đích, đó là ân điển cho sự ý thức kiên định. 



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.