sự hưởng thụ
Ba Tư được gia đình để lại cho khoảng 5 lượng vàng, dự tính sẽ đủ cho anh ta sống được một đời. Thoạt đầu, Ba Tư cũng nghĩ bụng rằng đó là số vàng lớn nên có tiêu thế nào thì cũng không hết được. Nhưng cái thói mong muốn hưởng thụ bên trong anh ta che lấp đi sự tỉnh táo. Ba Tư mua nhà mới, một số người làm mới, rồi những người phụ nữ mà anh ta qua lại đều dụ dỗ anh ta đến nỗi anh ta đều chia cho họ một ít vàng, và thế, chỉ sau một thời gian ngắn, 5 lượng vàng bay sạch. Đến lúc không còn mà trả tiền công cho người làm. Vì biết Ba Tư cần tiền, nên căn nhà được bán với mức giá rẻ mạt. Rốt cuộc, chưa hết đời, mà anh ta vừa nghèo vừa khổ. Tự than thở, hối hận nhưng cái tính ham thích thụ hưởng quá khích khiến anh ta không chịu làm ăn, hoặc chỉ làm đủ ăn qua ngày.
Chúng ta thấy, bất cứ thói tư duy, ham thích nào quá đà đến dẫn đến những kết cục bi thảm. Chưa thấy một người nào phát triển sự ham muốn mà không đối diện với những khổ đau. Người ham muốn hưởng thụ: hưởng thụ ăn uống, vui chơi, đàn ca múa hát, tình dục, yêu đương, của cải, danh vọng... đều đang tự khiến tâm trí bị ô nhiễm và vùi lấp trong những khát thèm tầm thường. Khi không còn điều kiện thỏa mãn thói ham thích nữa, thì sự yếu hèn, sân hận, si mê liền nảy sinh để hối thúc cho những lời nói lẫn hành động không đúng đắn.
Cái người làm ra phước với hy vọng một lúc nào đó có thể được hưởng phước phần lớn đều dễ vấp ngã, vì ước muốn thụ hưởng cá nhân thôi thúc cho những hành động của anh ta. Ý nghĩ tốt thôi thúc hành động và lời nói tốt, rồi gặt hái kết quả tốt. Chuỗi nghiệp quả đó được phóng chiếu ra và người làm đó một lúc nào đó hoặc ngay lúc đó có thể được thụ hưởng phước tương ứng. Hay nói cách khác, năng lượng phóng ra thu hút dạng năng lượng tương ứng. Nếu dạng năng lượng phóng ra là tốt, thì nó thu về thứ mà ta gọi là "phước". Nhưng phước hay bất cứ hiện tượng nào trong thế giới hình tướng này đều theo chu trình sinh-diệt. Khi bạn hướng ra để thụ hưởng phước, thì điều đó để lại một thói quen thụ hưởng, một cơn nghiện bên trong bạn. Khi phước hết rồi, sự tức giận, thèm muốn bên trong bạn bắt đầu nảy sinh và tích lũy thành khối đau khổ. Vậy thì việc nỗ lực tạo ra phước phần đều chỉ kích thêm sự lì lợm cho cái tôi ích kỷ.
Sống trong đời, phải thực sự cẩn trọng với những ham muốn thụ hưởng bên trong mình. Vì tính thụ hưởng là một đặc thù của cái tôi, khi nó luôn trong tình trạng muốn được thỏa mãn ngay lập tức điều gì đó. Tính thụ hưởng này là hướng ra để tận hưởng. Còn khi tâm hướng vào tĩnh lặng, thì không còn cái gọi là thụ hưởng cá nhân. Sự thụ hưởng mang tính cá nhân khiến khối khổ đau bên trong người đó được tích lũy, dù khi hưởng thụ thì họ không hề ý thức được về sự phiền não này.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.