về rừng (2)
Trong cuộc sống thường nhật, có những điều được lặp đi lặp lại mà không bao giờ thấy chán ngán: viết, dạy, đi bộ, nấu ăn, dọn nhà. Mọi thứ cứ quanh đi quẩn lại ở một góc rừng này nhưng đủ là đủ, phải vậy không?
Việc viết lách đến với người viết từ rất sớm, qua những cuốn nhật ký từ thời học sinh, nhưng dần qua thời gian, thì mọi ký ức lưu trong đó đều bị đốt cháy theo nghĩa đen. Chúng bị đốt đi bởi chính tay người viết do cảm thấy sự lưu trữ chúng là không cần thiết nữa. Việc viết lách, nếu được thôi thúc từ một khoảng sâu tĩnh bên trong, thường mang đến những nhận thức trí tuệ và nhẫn nại. Nó thúc đẩy sự lắng nghe và cảm nhận bên trong chúng ta, với mọi thứ đang diễn ra, đặc biệt là đau khổ. Trong rất nhiều quãng thời gian trước đó, nơi các quán cafe ấm áp, ở những góc nhà gỗ hay nhà kính nhìn ra khoảng trời mênh mông, người viết thường thả tâm mình vào khoảng không gian rộng lớn, và những con chữ múa nhảy từ sức mạnh điềm tĩnh ấy. Người viết không để cho những cảm xúc mạnh hay các suy tư chi phối việc viết, bởi sau khi nhìn lại các bài viết đó ở trong một tâm trạng bình thường, bạn sẽ cảm thấy chúng rất rác rưởi, và thế, bạn muốn xóa chúng. Trong tất cả các cuốn sách hay những trang blog, người viết thường thả bút khi tâm thực sự bình lặng, không có sự phán xét với các hiện trạng, chỉ đơn thuần là nhìn mọi hiện trạng từ một nhận thức khách quan, thấy ra các sự việc đều đang diễn ra từ các điều kiện tương tác thúc đẩy, và từ đó không có chỗ thiếu không có chỗ thừa, không có cái gì là tốt hoàn toàn hay xấu hoàn toàn. Cái được cho là xấu lại có chức năng thúc đẩy một nhận thức đúng. Cái được cho là tốt đôi khi lại khiến con người ta chìm đắm, u mê. Rốt cuộc, mọi sự trong thế gian này đều cần được nhìn nhận từ một thái độ thực sự rộng mở.
Khi chuyển đến sống ở nhà gỗ này, người viết tạ ơn thiên nhiên khi ban tặng cho một vườn hoa xuyến chi không cần chăm không cần tưới mà sức sống quá ư mãnh liệt. Một dòng suối nhỏ vào mùa khô mà vào mùa mưa lại cực kỳ tràn trề sức sống. Và đặc biệt là rừng cây bao quanh trước mắt vươn thẳng lên bầu trời. Có một cảm nhận thực sự sâu lắng khi ngắm nhìn sức sống của vạn vật, của cây cối, của nước, của côn trùng. Ngôn từ không thể phản ánh được vẻ đẹp và bản chất của chúng; giọng nói không thể nào ca tụng được sự thiêng liêng của chúng; hành động là thừa thãi so với việc cúi mình tôn trọng và để cho chúng được sống một cách tự nhiên. Ở khoảng ban công đối diện khu rừng, vào ban trưa hay chiều tối, người viết thường ngắm nhìn, và những dòng chữ cứ thế nối đuôi nhau dựa trên ý thức khiêm cung.
Dù cho bạn đến ở nơi đâu, thì nơi đó luôn là tổ ấm. Người viết không coi các nơi ở, dù chỉ một hai hôm, là tạm bợ. Chúng được đối xử như chính mình, cần chăm nom, cần trang hoàng, cần chú tâm, cần nâng niu. Đó là cái cách người viết sống nhưng không bao giờ luyến ái với lối sống.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.