thử thách
Sự thực hành tĩnh lặng có khó khăn không?
Vâng, nó (rất) khó khăn.
Dù bạn có thể nghe được ở đâu đó nói rằng thức tỉnh dễ dàng, thiền là dễ dàng. Nhưng quả thực, nó thật sự thử thách. Bởi thói quen tâm trí là ''hằng hà sa số'' và tạo ra những ràng buộc mang tính vi tế khó phát hiện. Khi sự thực hành tâm linh bên trong bạn trở nên nghiêm túc, thực sự dành toàn bộ thời gian cho nó, bạn sẽ cảm nhận được điều mà người viết chia sẻ. Nhưng khi nói rằng nó khó khăn, không có nghĩa đó là sự than thở của tâm trí, mà nó thực sự là một chia sẻ từ nhận thức tĩnh lặng, vì thế tâm trí không ám ảnh vào sự khó khăn này.
Tâm trí thường đánh lừa chúng ta về tình trạng của nó dựa trên điều kiện hiện tại. Có nghĩa là gì? Ví dụ, một người ăn xin cảm thấy hài lòng khi hôm nay đã xin đủ ba bữa. Tâm trạng của anh ta khá ổn định, và anh ta nói rằng mình đang rất ổn. Một người giám đốc hôm nay kiếm được 100 triệu đồng, và anh ta cảm thấy đủ, và tâm trạng anh ta ổn định. Như vậy, cái đủ mà người ăn xin và người giám đốc cảm thấy rõ ràng dựa trên điều kiện ngoại cảnh, chứ không phải là một ý thức sâu sắc bên trong. Qua hôm sau, người ăn xin không kiếm được bữa ăn tử tế nào, anh ta tỏ ra rất buồn bực. Tương tự, người giám đốc cũng chỉ kiếm được 10 triệu, anh ta không bằng lòng. Một số người nói rằng hiện tại họ khá ổn, họ đã bằng lòng được với hiện tại. Nhưng nếu hiện tại đó sụt giảm vật chất hoặc biến động, họ lại không được ổn nữa. Tâm trí thường mắc kẹt vào tình hình thực tế, và khi hài lòng với tình hình thực tế đó, nó sẽ thông báo cho bạn biết rằng như vậy là tốt rồi. Nhưng rõ ràng, cái tốt đó vẫn là do tâm trí dựa vào điều kiện hiện tại này.
Một số người biết hài lòng với thực tế của họ: nhà cửa, công việc, gia đình, con cái... nhưng không có nghĩa là tĩnh lặng thực sự. Bởi nếu vậy thì 100 người thì sẽ có 100 cái tôi hài lòng khác nhau, và đều phụ thuộc vào điều kiện ngoại cảnh. Có người hài lòng khi xin ăn được 20 ngàn mỗi ngày. Có người lại hài lòng khi kiếm được 20 triệu mỗi ngày. Sự hài lòng phải đến từ bên trong, nơi mà vắng bặt ảo ảnh tâm trí hay ý niệm ràng buộc với hình tướng.
Khó khăn nằm ở chỗ, tâm trí luôn đi tìm kiếm sự hài lòng ở ngoại cảnh, mà không nhận ra chính nó là một ý thức hài lòng sẵn có. Sự thực hành tĩnh lặng đúng đắn là khi tâm trí vắng bặt đi các tiếng nói cá nhân, rằng tôi như thế này hay như thế kia, tôi đang trong tình trạng ra sao, vì tất cả các tiếng nói đó đều đến từ tâm trí. Vì bản chất của bạn vốn dĩ là không gian ý thức tĩnh lặng tự hiển lộ mà nó không cần phải chứng minh hay thanh minh. Giống như khi bạn là con người, thì bạn đâu cần chứng minh rằng mình là con người, bạn đâu cần nêu quan điểm hay lý lẽ để chứng minh điều đó. Trừ phi, bạn đang sợ hãi hay ảo tưởng về việc bị thách thức.
Khi vẫn còn thói quen tâm trí, bạn sẽ không thể chắc chắn liệu sự thực hành này đang đến đâu, vì thế, tốt nhất là giữ tâm trí yên lặng nhiều nhất có thể, để nó không kết luận bạn đang ở một giai đoạn hay một tình trạng nào đó. Lúc này, sự quan sát mới có thể rộng-tổng quát được. Một tâm trí thông minh sẽ dễ dàng nắm bắt kiến thức tâm linh, nói ra, viết ra được một cách rất tốt, nhưng điều đó không có nghĩa rằng bên trong người đó có một sự trưởng thành tâm linh thực sự. Nó giống với một số người có năng khiếu nói hay viết nào đó, nhưng không có nghĩa là họ sẵn sàng hay có một sự nghiêm túc sống thực sự như vậy.
Nhưng khi bên trong con người đó có một sự nghiêm túc kinh nghiệm bản chất của chính mình, họ sẽ nhìn ra được các thử thách xảy đến tương ứng với khả năng/căn cơ của họ. Vì như người viết đã từng nhấn mạnh, thử thách là thứ có khả năng kích hoạt nhận thức tốt nhất, và có khả năng kích hoạt ý thức tự do khỏi những chướng ngại tâm trí hay cụ thể đó là các niềm tin sai lầm về chính mình. Thử thách vốn dĩ là bản chất của thế giới hình tướng, và nó không thể không xảy ra. Nhưng khi khả năng ý thức bên trong một người trở nên mạnh mẽ hơn, nghiệp quả (karma) từ tiềm thức họ sẽ trổ ra ứng với khả năng ý thức hiện tại của họ. Nếu có một khả năng không đồng hóa vào karma, có nghĩa rằng thế giới hình tướng cứ thế tự vận hành từ chân ngã (vốn dĩ là bản chất của người đó).
Tức, khi bạn càng sẵn sàng, tâm trí bạn càng rộng mở, nghĩa là không còn sự kiểm soát, không còn sự trốn tránh, không còn sự níu kéo hay nỗ lực đạt đến cái gì đó, có nghĩa là phần tiềm thức bên trong bạn sẽ được chảy một cách tự nhiên và nhanh nhất. Đó là lý do vì sao nhiều người nói rằng khi tu thì nghiệp quả sẽ trổ, nhưng người viết muốn nhấn mạnh rằng, đừng đồng hóa vào nghiệp quả đó là mình hay của mình. Nó không trổ ra với bạn, không xảy đến với bạn, khi bạn không còn sự đồng hóa nào với nó. Nhưng bạn sẽ thấy, với những người vẫn chạy theo ham muốn nào đó, vẫn còn muốn hưởng thụ, muốn kiểm soát, kìm nén... thì khả năng nhận thức lại chậm hơn bên trong họ, dù họ có là những người viết hay nói tâm linh giỏi nhất.
Một người bạn nọ khá giỏi về kiến thức tâm lý, có khả năng trình bày về nó một cách tuyệt vời trước đám đông, và anh ta có một khả năng đọc sách phi thường và nhớ phi thường. Nhưng trong đời sống vẫn gặp rất nhiều căng thẳng và phiền não. Anh ta có tham vọng rất lớn, muốn đeo đuổi những lý tưởng đời sống sung túc... Như vậy, nhìn bề nổi, họ có vẻ là một người rất thông minh, rất am hiểu, nhưng khả năng ý thức của họ lại chậm-bị cản trở.
Với nhiều người, tâm trí họ có khả năng thu nạp kiến thức tốt, và tâm trí cho rằng các kiến thức mà họ thu nạp chính là kinh nghiệm của họ, và đó là một cách đánh lừa lớn nhất của tâm trí. Nhưng trong tình hình thực tế, khi đối cảnh, lòng họ vẫn khó vô tâm, thậm chí các kiến thức mà họ đã từng thu nạp trồi lên để phản biện, định kiến, hơn thua với người này hay người khác...
Một số người có độ tĩnh nào đó nhưng độ tĩnh này lại phụ thuộc vào sự kiểm soát tâm trí. Ví dụ, vẫn có một sự kiểm soát ngầm nào đó bên trong họ về việc tài chính phải ở mức này, công việc phải diễn ra ổn như này, gia đình sẽ như này... Điều này sẽ được thể hiện rõ là họ có còn kiểm soát hay không khi mà các điều kiện mà họ cố gắng kiểm soát đó đột ngột thay đổi. Một số người quay vào bên trong, dùng nỗ lực tâm trí để trụ định hay bám vào định. Độ định đó sẽ được nới dài ra trong ngày, nhưng nó sẽ mất dần theo thời gian.
Sự hiểu biết thực sự có nghĩa là khả năng kinh nghiệm được kiến thức từ bên trong chính mình một cách tượng tận và sâu sắc. Nó không phải một dạng thu nạp, ghi nhớ và xử lý thông tin theo góc nhìn cái tôi cá nhân biết. Nói đến những chướng ngại do tâm trí tạo ra thì có vô vàn, đó là lý do vì sao sự thực hành tĩnh lặng càng chậm-tĩnh-quan sát lặng lẽ tổng quát càng nhiều càng tốt.
Đừng cho rằng khó khăn đã qua, cũng đừng tin khó khăn sẽ đến. Im lặng và thấy. Tĩnh lặng và rõ thấy.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.