chọn lựa

Thật vậy, không có cái gì gọi là đúng hay sai, tốt hay xấu, nên hay không nên về mặt rốt ráo. Bởi chúng chỉ đơn giản là những xét đoán chủ quan dựa trên hệ giá trị cá nhân. Nhưng bạn sẽ đặt câu hỏi, vậy tại sao các bậc giác ngộ lại hành xử, chia sẻ, và suy nghĩ như họ biết được đích xác cái gì là nên và không nên. Và nếu không có đúng hay sai, thì cuộc sống của loài người sẽ đi về đâu, nếu không ai màng đến đúng và sai, thì phải chăng là thế giới sẽ tuyệt chủng từ lâu bởi sự sai trái trong tư duy con người? 

Nhưng nói chính xác hơn thì, chính những hệ giá trị nhị nguyên mà xã hội theo đuổi trên khiến nó đi vào sự tha hóa. Chính sự xét đoán chủ quan khiến con người ta không đủ lòng từ, bao dung và hiểu biết. Vì họ đang nghiêng về một nửa vũ trụ và bỏ mặc nửa còn lại, phải vậy không, khi mà ta cho cái này là đúng và đi theo nó, rồi phản lại cái kia. Chiến tranh chẳng phải đến từ tư duy phân chia hay xét đoán này hay sao? 

Bạn thấy đấy, Thượng Đế đã ban cho tất cả con người cái quyền gọi là tự do chọn lựa. Thông qua sự tự do chọn lựa đó, họ tạo nên cái gọi là thực tại cho chính họ và họ cũng phải chịu trách nhiệm cho mỗi chọn lựa được đưa ra. Làm sao mà Thượng Đế lại có thể phán xét đúng-sai, nên hay không nên, khi chính ngài ban cho con dân ngài quyền tự do chọn lựa đó? Nói đúng hơn, thông qua quyền tự do chọn lựa này, con người tự ý thức được hậu quả của chọn lựa, để từ đó đi đến những chọn lựa cao hơn. Chẳng phải là khi bạn ăn cắp cái gì đó của người khác, vì không còn muốn hậu quả xảy đến của nó, mà bạn thôi không nảy sinh thêm chọn lựa này? Chẳng phải khi bạn làm hại người khác, bên trong bạn căm phẫn, sân hận, bạn cũng đau đớn và bị ảnh hưởng tiêu cực không kém, và bạn không còn muốn điều đó nữa nên bạn ngừng gây hại? Sự tự do chọn lựa này có mục đích của nó trong việc thôi thúc chúng ta đi đến chọn lựa cao hơn, và cuối cùng là cao đẹp nhất, trở về tính toàn hảo của Thượng Đế. Bạn chọn là ý thức cao đẹp nhất, bạn chọn là tình yêu vô điều kiện khi bạn kinh qua mọi ngóc ngách trong tâm khảm đời người, và nhìn ra được sự giới hạn của chúng. 

Nhưng như thế nào là lựa chọn cao đẹp, hãy nhìn vào cảm giác bên trong anh để thấy, những lựa chọn mà khiến bên trong anh hoan hỷ, hạnh phúc, vui mừng, rạng rỡ, an bình một cách thuần khiết. Thượng Đế sẽ thì thầm cho anh biết anh đã trở về nhà. 

Các chọn lựa của mỗi người đang hoàn hảo theo tiến trình của họ, và nghĩa cử cao đẹp nhất là hãy quan sát những chọn lựa ấy một cách khách quan. Đừng xét đoán đúng-sai, tốt-xấu, nên hay không nên, và áp đặt họ phải đi theo sự "độc đoán" ấy của bạn, vì sự độc đoán của bạn chỉ càng khiến cho họ thêm ngoan cố trong chọn lựa hơn mà thôi. Như ai đó đã từng nói, không quan trọng là có bao nhiêu người rao giảng, mà có bao nhiêu người sẵn lòng lắng nghe "Ta". Nhưng chúng ta có quá nhiều người rao giảng đúng-sai, tốt-xấu khi mà người nghe thì chưa sẵn sàng, và điều đó sẽ gây ra nhiều những tác dụng phụ. Vì để đi đến chọn lựa cao hơn, người ta bắt buộc phải kinh nghiệm được hậu quả của lựa chọn gọi là "thấp hơn", để từ đó có thể bỏ qua được chúng. Như vậy, nếu có thể, hãy hướng dẫn cho người ta biết ý thức về các hậu quả của chọn lựa, về nỗi đau-thống khổ-căm phẩn-ghen ghét-lo lắng-sợ hãi không phải là bản chất của họ, mà chính là niềm vui, là sự bao dung, là tình yêu. 

Bạn thấy đấy, thay vì nói ai đó chưa toàn hảo, là đang tham-sân-si, thì sẽ tốt hơn nếu bạn nói bản chất của họ là thiện lương, từ bi và đầy trí tuệ. Vì điều đó sẽ khiến họ chiêm nghiệm và "chọn lại". Nhưng nếu bạn gán nhãn họ là tiêu cực, họ sẽ càng tin và chứng tỏ cho bạn thấy "tôi là người như vậy đấy, anh làm gì được tôi!".

Và cuối cùng, Thượng Đế không xét đoán các lựa chọn của con người, ngài đã ban cho họ các công cụ là suy nghĩ, cơ thể... để họ có thể tự do trải nghiệm, và tự ý thức chính mình thông qua các trải nghiệm. Nhưng con người lại đang đi đến những chọn lựa mà họ lẫn chúng sinh khác phải gánh về những nỗi đau và mất mát quá lớn. Chúng ta không cần đến những nỗi đau khủng khiếp như thế để kinh nghiệm được niềm an vui nội tại và sự đủ đầy, trù phú. Nhưng càng xét đoán và chống đối họ, thì lại chỉ càng ban cho họ "thêm niềm đam mê" gây hại và trượt dài lên nỗi thống khổ. Điều chúng ta có thể làm, là cầu nguyện, tạ ơn, và chúc cho họ tốt lành. Là có thể lan tỏa được sự thật đến những người đã sẵn sàng lắng nghe, là có thể suy nghĩ-nói và làm từ niềm an bình nội tại. Khi niềm an bình nội tại bên trong con người chiếm ưu thế, thì sự an bình thế giới tự xảy đến. 


No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.