vẻ đẹp của khoảng trầm lắng

Thật kỳ lạ lắm không, khi mà sự u tối trập trùng của màn đêm cùng với những thanh âm đầy ban sơ của nó khiến ta say đắm, thậm chí đôi khi còn hơn cả một bình minh rực rỡ. Và trong cuộc đời với không đếm xuể những uốn lượn, ngả nghiêng trù phú của nó; thì những dòng chảy trầm lặng, khiêm tốn, âm thầm, lại mang đến cho ta ý thức sống căng tràn, sự nhận ra tỉnh táo, lối sống thanh tao, lòng tận tụy được nuôi dưỡng và nảy mầm mạnh mẽ. 

Với sự quay vào bên trong, một mé nước tĩnh lặng cũng thật bình đẳng với một hoảng hôn bình dị. Và khi được tắm mát bởi sự mộc mạc của tự nhiên, cùng với tinh thần bí ẩn và sâu sắc của nó, người ta cảm thấy những nhấp nhô trong tâm trí, và lắm lúc là những đợt sóng dữ dội cao trào, được nhìn ngắm bằng tấm lòng trong trẻo, chứ không phải là chọn lựa nhị nguyên, muốn hay không muốn. 

... 

Người viết hiểu cái cảm giác của những yogi/tu sĩ... lui về hang động giá lạnh và ngồi đó tận hưởng. Cái cảm giác cô độc-lặng lẽ ấy "phê pha", tuyệt diệu, thiêng liêng. Và người ta bắt buộc phải trải qua sự tĩnh lắng đó, mới có thể phát hiện những sôi động bề nổi lẫn những vận động tâm trí tinh vi. Khoảng trầm lặng này, đối với người nhân gian là thất bại, nhưng với kẻ muốn hiểu mình, lại vô giá. 

Một vài lần khi đến những hang động ở Lý Sơn, An Giang, và cả quê nhà... sự cô tịch, tối tăm nhưng đầy sinh khí của nó khiến cho ý thức được thôi thúc khám phá trạng thái không nghĩ suy một cách tự nhiên. Như được gợi lại một phần ký ức nào đó, và một lần nữa được trải nghiệm lại điều đó, thật mới mẻ. Ý thức tự tận hưởng chính sự bất động mà rất sống động của nó, cùng sự biến mất tạm thời của thể xác. 

Sự thực hành tĩnh lặng nghiêm túc khiến chúng ta nhìn ra được, ý thức không còn chối từ việc nhìn thẳng vào những gì được cho là rùng rợn và khó nắm bắt nhất. Nó thậm chí đam mê và xem đó là cách duy nhất để có thể cảm nhận sâu sắc nhất sự bình thản, vốn dĩ là trạng thái tối hậu của sự thực hành. 

Một người sở hữu nhiều thứ, vẫn biết những thứ được sở hữu có thể biến mất. Nó in hằn sự bất an và lòng kiểm soát ngấm ngầm. Nhưng thử hỏi, sự bình thản ngay cả trong những điều kiện không thể kiểm soát, thì có gì vượt trội hơn nó? 

... 

Đã một thời gian không nghe lại bản On the nature of daylight. Sự da diết, thâm trầm, lặng lẽ của nó, cứ như thể dòng đời chưa từng vơi ngớt những dữ kiện đau thương, được phát ra trong một không gian tĩnh tại. Nếu phải nghe quá lâu, ta sẽ cảm thấy thật mỏi mệt. Như cái việc, nếu ta liên tục trầm mình trong phiền muộn nhân thế, thì sức đâu mà gắng gượng nữa? Nhưng nếu tĩnh- tỉnh mà nghe, ta lại thấy rằng bản nhạc ấy - như cuộc đời là bể khổ này - chính là chất liệu cho sự tỉnh thức. Nó giúp ta tận hưởng mà không bị đắm chìm. Và khi thấy đã đủ rồi, ta tự khắc vượt lên được nó. Ta không chọn trải nghiệm nó nữa. 

Có lẽ, đó là lý do vì sao người viết lại đam mê sự bí ẩn của đêm tối, vẻ đẹp hoang dã của tự nhiên nhiều đến thế. Như Siddhartha cũng đã từng tha thiết nhắn nhủ người bạn Govinda, rằng dù thế gian này có điên dại ra sao, ta vẫn cứ mãi mãi yêu nó.



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.